huân tập

Phật Quang Đại Từ Điển

(熏習) Phạm:Vàsanà, Pravfti, Abhyàsa. Gọi tắt: Huân. Cũng giống như người dùng mùi thơm để xông ướp quần áo, thế lực của các pháp nhiễm tịnh, mê ngộ (đặc biệt chỉ cho các hành vi của 3 nghiệp: Thân, Ngữ, Ý) in sâu vào tâm thức của con người, ấy là Huân tập (xông, ướp). Kinh lượng bộ của Phật giáo Tiểu thừa chủ trương sắc (vật chất) và tâm huân tập lẫn nhau, vì thế nên có thuyết Sắc tâm hỗ huân. Nhưng hoàn thành thuyết Huân tập này thì chính lại là tông Duy thức của Đại thừa. Theo thuyết ấy thì pháp năng huân (cái do thân, ngữ, ý hiện ra) là Hiện hành , mà pháp sở huân là Tâm , tác dụng huân tập lưu lại các chủng tử: Tàn khí, tập quán, dư tập (tập khí), v.v…… trong tâm sở huân. Tông Duy thức cho rằng sự hiện hành của 7 chuyển thức là pháp năng huân, còn thức A lại da thứ 8 là nơi sở huân chứa chất các chủng tử. Mối quan hệ giữa sở huân và năng huân này là lý nhân quả nối nhau của thức A lại da. Cứ theo luận Thành duy thức quyển 2, thì Sở huân và Năng huân mỗi thứ đều có 4 nghĩa. 1. Bốn nghĩa sở huân: a. Kiên trụ tính: Tính chất giữ gìn khiến cho nó được kiên cố, tồn tại, tương tục. b. Vô kí tính: Tính chất chẳng phải thiện, chẳng phải ác. c. Khả huân tính: Tính chất có khả năng chịu sự huân tập và có thể tự huân tập, nhưng chẳng phải là tự thể kiên cố bất biến. d. Năng sở hòa hợp: Tính chất của sở huân hòa hợp với năng huân. Chỉ có thức A lại da đầy đủ 4 nghĩa này. 2. Bốn nghĩa năng huân: a. Hữu sinh diệt: Tác dụng chuyển biến để sinh trưởng tập khí. b. Hữu thắng dụng: Tác dụng duyên lự, có thắng dụng mạnh mẽ và năng lực phát sinh tập khí. c. Hữu tăng giảm: Chỉ cho Thắng dụng có năng lực tăng, giảm để giữ gìn tập khí. d. Năng sở hòa hợp: Năng huân và sở huân hòa hợp. Bảy chuyển thức và các tâm sở đều có đủ 4 nghĩa này. Bảy chuyển thức đã có tác dụng năng huân, thì trong Tứ phần, chúng thuộc về phần nào? Về vấn đề này, xưa nay có các thuyết: Nhị huân (Kiến phần huân, Tướng phần huân), Tam huân tập (Danh ngôn tập khí, Ngã chấp tập khí, Hữu chi tập khí) và Tứ huân tập (Vô minh huân tập, Vọng tâm huân tập, Vọng cảnh giới huân tập và Tịnh pháp huân tập). [X. Lăng già a bạt đa la bảo kinh Q.4; luận Nhiếp đại thừa Q.thượng (bản dịch đời Lương); Nhiếp đại thừa luận thích Q.2 (bản dịch đời Lương); Thành duy thức luận thuật kí Q.3 phần đầu]. (xt. Sở Huân Tứ Nghĩa, Năng Huân Tứ Nghĩa).