hư vô chủ nghĩa

Phật Quang Đại Từ Điển

(虛無主義) (Nihilism) Chủ nghĩa phủ định tất cả đạo đức, tập quán, chế độ, tôn giáo, hoặc chân lí, giá trị của bất cứ sự vật gì. Những người theo chủ nghĩa hư vô tuy có tích cực đề xướng cuộc vận động cách mạng xã hội, nhưng phần đông họ là những kẻ trốn tránh, tiêu cực không quan tâm. Cũng có những người rơi vào chủ nghĩa tìm cầu khoái lạc nhất thời. Có thể nói, đây là chủ nghĩa tối tăm, tuyệt vọng. Đức Phật Thích ca dùng nguyên lí phủ định Phạm ngã siêu hình làm tiền đề, nhìn thẳng vào hiện thực để thấu suốt hiện thực mà tìm con đường giải quyết, nên Ngài bị những người Bà la môn(chủ trương có Phạm ngã) xem đồng như Lục sư ngoại đạo và công kích là người theo chủ nghĩa hư vô. Đó là vì đức Phật thấu suốt hiện thực, nên Ngài biết rõ sự vật tồn tại đều là vô thường, khổ, vô ngã, nhất là nhấn mạnh con người nhờ có chết mà tồn tại, do đó mà Ngài bị hiểu lầm là người theo chủ nghĩa hư vô. Thực ra, qua tư tưởng, hành vi và giáo thuyết của đức Phật, thì Ngài không giống như những người theo chủ nghĩa hư vô, trốn tránh hiện thực, mà trái lại, Ngài nhìn thẳng vào hiện thực, thấu suốt hiện thực, siêu việt hiện thực để giải quyết vấn đề thống khổ của kiếp người. Vì thế, Phậtgiáo tuyệt nhiên chẳng phải là chủ nghĩa hư vô. Khi đức Phật sắp nhập diệt, Ngài căn dặn các đệ tử phải nương vào pháp và nương vào chính mình để đạt đến giải thoát. Từ đó, ta thấy thái độ của đức Phật đối với nhân sinh rất là khẩn thiết. Pháp mà muôn vật y cứ và chính mình , tức là chủ thể, đều là không . Nhưng cái không ở đây chẳng phải là không đối với có , mà là không siêu việt có và không , vì thế cái không này chẳng phải là cái không (vô) thông thường của chủ nghĩa hư vô. (xt. Không).