hột lợi câu

Phật Quang Đại Từ Điển

(紇利俱) Cũng gọi Hột lợi, Hiệt lợi. Tức là chữ (hrì#) của mẫu tự Tất đàm, là chủng tử của đức Phật A di đà trong Kim cương giới và cũng là chủng tử của bồ tát Quan âm của Mật giáo. Chữ này do 4 chữ: (hạ), (ra), (ì), (a#) hợp lại với nhau mà thành chân ngôn. Cứ theo Lí thú thích quyển hạ nói, thì chữ Hạ nghĩa là nghiệp nhân, vì nhân của các nỗi thống khổ là tham dục, cho nên chữ này được phối với tham dục; Ranghĩa là hỏa đại, vì lửa tức giận có thể đốt cháy củi thiện căn, cho nên chữ này được phối với sân khuể; Ì nghĩa là tự tại, vì ngu si là vua của phiền não, cho nên chữ này được phối với ngu si; A# nghĩa là Niết bàn, tức tự tính vốn thanh tịnh. Hợp cả 4 chữ ấy lại thì có nghĩa là tự tính của 3 độc tham, sân, si xưa nay vốn trong sạch, mầu nhiệm như hoa sen không nhiễm. Cũng theo Lí thú thích quyển hạ, thì Mạn đồ la của chữ Hột lợi câu được phối trí như sau: Ở cửa đông vẽ hình Thiên nữ, tượng trưng tham dục; cửa nam vẽ hình rắn, tượng trưng sân khuể; cửa tây vẽ hình lợn (heo) tượng trưng ngu si; cửa bắc vẽ hoa sen, tượng trưng Niết bàn. Nếu vào được luân đàn này, thì sẽ đến Vô thượng bồ đề, tất cả các hoặc (phiền não) đều không làm nhiễm ô được. [X. Niệm Phật đề hồ bí yếu tạng; Chân ngôn niệm Phật tập Q.thượng].