hợp sát

Phật Quang Đại Từ Điển

(合殺) Âm điệu dùng để xướng tụng danh hiệu Phật khi thời kinh sắp kết thúc. Về ý nghĩa của Hợp sát có nhiều thuyết khác nhau: – Có thuyết cho rằng hợp sát là dịch âm từ chữ Waw của tiếng Phạm, dịch ý là lục (sáu), hợp lục là 12, vì thế gọi là Hợp sát. Dùng hợp sát này để biểu thị ý nghĩa niệm Phật ngày đêm 12 thời không lui sụt. – Thuyết khác thì cho rằng hợp sát nguyên là tên một điệu nhạc ở đời Đường, đặc biệt được dùng để kết thúc một bản nhạc. Vì sát nghĩa là tan ra, mà khi khúc điệu sắp được kết thúc thì âm thanh nhỏ dần, tạo thành trạng thái êm nhẹ, lan tỏa rồi dứt hẳn, vì thế gọi là Hợp sát. Trong Phật giáo, Hợp sát được chuyển dụng để gọi khúc điệu trong tán tụng rất thịnh hành ở Trung quốc, sau được truyền vào Nhật bản cũng rất phổ biến, nhưng cách sử dụng của Nhật bản có khác với Trung quốc. Ngoài ra, vì Hợp sát là khúc điệu để kết thúc bản nhạc nên cũng được chuyển dụng với nghĩa rốt cuộc . Hoàng bá Đoạn tế thiền sư uyển lăng lục nói, dẫu cho tu hành đến địa vị Tam thừa, Tứ quả, Thập thánh, v.v…… nhưng rốt cuộc (hợp sát) vẫn còn chấp trước phàm thánh.