hồn thần tinh thức

Phật Quang Đại Từ Điển

(魂神精識) Cũng gọi Tinh thần, Tinh linh, Tinh thức, Hồn thần. Chỉ cho tâm thức của chúng sinh, cũng chỉ chung thần thức của con người hoặc tinh linh của loài vật. Kinh Vô lượng thọ quyển hạ (Đại 12, 276 thượng), nói: Thay hình đổi nẻo, thọ mệnh dài ngắn, hồn thần tinh thức, tự nhiên hướng tới . Kinh Thủ lăng nghiêm quyển 1 (Đại 19, 108 hạ), nói: Tinh thức sáng láng, sinh ra các duyên . Thủ lăng nghiêm nghĩa sớ chú kinh quyển 1 phần 2 (Đại 39, 837 hạ) giải thích: Thức A lê da thứ 8 nhỏ nhiệm nhất trong các thức, cho nên gọi là Tinh thức . Các danh từ thần hồn, tinh linh, hồn phách, thức tinh, v.v… đã được sử dụng rất sớm trong các sách vở của Trung quốc thời xa xưa. Như trong sách Hoài nam tử có câu: Khí trời là hồn, khí đất là phách . Truyện Tả thị xuân thu nói: Tâm tinh linh chính là hồn phách . Nghi lễ chú sớ thì nói: Hơi thở ra vào gọi là hồn, tính sáng tỏ linh lợi của tai mắt, gọi là phách, người chết thần hồn đi thì phách cũng lìa . Ngoài ra, thời xưa người ta cũng cho rằng khí dương là hồn, khí âm là phách, âm dương hòa hợp thì thành người, vì thế mà có thuyết chủ trương sau khi người ta chết thì hồn phách lên trời. Khi kinh điển Phật giáo được truyền dịch, các dịch giả thường mượn loại dụng ngữ này để chỉ chung cho tinh thần, tâm thức, hoặc dùng làm tên khác của thân tâm. Như Chư kinh yếu tập quyển 19 (Đại 54, 178 hạ), nói: Hồn là linh, phách là xác (chết) cho nên khi người mới chết, đem áo của họ mặc lúc còn sống, đặt lên xác chết, vì hồn đã ra khỏi xác, dùng áo gọi hồn, hồn biết áo mình, tìm về với phách. Nếu hồn về với phách, thì tờ giấy đậy miệng xác hơi động; còn nếu hồn không về, thì tờ giấy không động . [X. kinh Thủ lăng nghiêm Q.9].