hỗn luân

Phật Quang Đại Từ Điển

(渾崙) Cũng gọi: Hồn luân, Hỗn luân, Cốt luân, Hốt luân, Côn lôn. Tiếng dùng trong Thiền lâm. Vốn chỉ cho trạng thái tối tăm, mờ mịt, khi trời đất chưa hình thành, âm dương chưa phân định. Trong Thiền lâm, từ ngữ này được sử dụng để chỉ cho một khối hỗn độn, không rõ ràng, không thể phân biệt, hoặc chỉ cho chân tính bình đẳng vô sai biệt. Thiên Thiên thụy trong sách Liệt tử ghi: Khí đã hình thành, chất đã có đủ, nhưng chưa tách rời nhau, cho nên gọi là Hồn luân . Lâm tế Tuệ chiếu thiền sư ngữ lục (Đại 47, 504 thượng), chép: Sư thấy vị tăng vừa đến, sư liền dang 2 tay ra, vị tăng im lặng. Sư hỏi: Hiểu không? Vị tăng đáp: Thưa không! Sư nói: Một khối hỗn độn, mờ mịt tách không ra, cho ông 2 đồng tiền . Vì Hồn lôn cũng gọi là Côn lôn, nên thường được dùng lẫn lộn với núi Côn lôn . Núi Côn lôn ở Tây vực, có nhiều ngọc quí, là Linh sơn và cũng là chỗ ở của Tây vương mẫu trong truyền thuyết, sông Hoàng hà bắt nguồn từ đó. Núi Côn lôn nay là dãy núi ở phía nam Hòa điền thuộc tỉnh Tân cương và ở phía bắc Tây tạng. Thiền tông dùng núi này để biểu thị sự cao siêu, sâu kín của Phật pháp. Hư đường lục quyển 3 (Đại 47, 1005 hạ) ghi: Nếu nói đến Kim luân thủy tế, đỉnh núi Côn lôn, thì công qui về đâu? .