hội xương pháp nan

Phật Quang Đại Từ Điển

(會昌法難) Chỉ cho sự kiện phá bỏ Phật giáo vào niên hiệu Hội xương đời Vũ tông nhà Đường. Vua Vũ tông vốn tin Đạo giáo, sau khi lên ngôi, vào tháng 9 niên hiệu Hội xương năm đầu (841), vua cho triệu nhóm Đạo sĩ gồm 81 người do Triệu qui chân dẫn đầu vào cung để tu phép Kim lục đạo tu ở Tam điện. Tháng 10 năm ấy, vua đến Tam điện, lên Cửu tiên huyền đàn đích thân nhận pháp Lục. Tháng 6 năm Hội xương thứ 2 (842), vua cho triệu đạo sĩ Lưu nguyên tĩnh ở Hoành sơn vào cung, nhận các chức Ngân thanh quang lộc đại phu, Sùng huyền quán học sĩ và cùng với đạo sĩ Triệu qui chân ở lại trong cung để tu pháp Lục. Tháng 3 năm Hội xương thứ 3 (843), vua bổ nhiệm Triệu qui chân làm Tả hữu nhai đạo môn giáo thụ tiên sinh. Bấy giờ vua đã có ý định phế bỏ đạo Phật, nên ra lệnh cho Tả hữu nhai đạo môn tra xét lại sự hưng phế của đất nước từ khi có đạo Phật đến nay, xem có điều gì có thể trưng ra làm chứng cứ để tiến hành việc phá Phật, đồng thời, vua hạ lệnh cho Tăng sĩ và Đạo sĩ biện luận với nhau ở điện Lâm đức. Sa môn Tri huyền lên tòa, trình bày những điểm căn bản của Đạo giáo, rồi chê bai chỉ trích, nét mặt nhà vua không vui. Tháng 1 năm Hội xương thứ 5 (845), vua cho xây cất lầu Vọng tiên ở Nam giao, triệu tập các Đạo sĩ để hỏi về đạo Tiên. Bấy giờ đạo sĩ Triệu qui chân đặc biệt được vua tin yêu, kề cận bên vua, Gián quan đã mấy lần dâng sớ nói về việc này. Triệu qui chân biết được việc này, bèn tiến cử đạo sĩ Đặng nguyên siêu ở núi La phù và rước vào cung. Từ đó các Đạo sĩ bàn mưu tính kế diệt Phật, Thừa tướng Lí đức dụ cũng đồng lõa trong âm mưu đó. Tháng 4 năm ấy, vua hạ lệnh cho quan Từ bộ kiểm kê tất cả các chùa viện và tăng ni trong cả nước, có 44.600 ngôi chùa, hơn 265.000 vị tăng. Tháng 5 vua ra lệnh cho Thượng đô, Đông đô mỗi nơi giữ lại 4 ngôi chùa, mỗi chùa 30 vị tăng. Còn các châu quận trong nước mỗi nơi để lại một ngôi chùa, chùa lớn 20 vị tăng, chùa vừa 10 vị, chùa nhỏ 5 vị, còn bao nhiêu bắt phải hoàn tục. Các chùa còn lại đều bị phá hủy, chuông, khánh, tượng đồng đều giao cho quan Diêm thiết sứ đúc tiền, tượng sắt thì giao cho các quan địa phương đúc nông cụ, tượng bằng vàng, bạc, du thạch (loại đồng có mầu vàng), v.v… thì giao cho Độ chi (người tính toán việc xuất chi tiền bạc). Trong dân chúng, ai có tượng vàng, bạc hạn trong một tháng phải đưa nộp cho nhà nước. Tháng 8 năm ấy, vua ban chiếu chỉ tuyên bố rõ việc phá bỏ Phật giáo. Tháng 3 năm Hội xương thứ 6 (846), vua lâm bệnh và băng hà. Vua Tuyên tôn lên ngôi, ra lệnh bắt nhóm Qui chân, Nguyên tĩnh, Nguyên siêu… gồm 12 người giam vào ngục. Tháng 3 niên hiệu Đại trung năm đầu (847), vua cho khôi phục các chùa Phật trong nước. Người đời gọi sự kiện vua Vũ tông phế bỏ Phật giáo là Pháp nạn Hội xương. [X. Tống cao tăng truyện Q.6, Q.12; Đại tống tăng sử lược Q.trung; Cựu đường thư Q.18; Đường thủ Vũ tông bản kỉ 8].