hồi phong

Phật Quang Đại Từ Điển

(回峰) Cũng gọi Hồi phong hành, Hành môn. Phương pháp tu hành bằng cách đi lễ bái chung quanh các chùa tháp, đền thờ trên núi Tỉ duệ của các vị A xà lê thuộc phái Tu nghiệm đạo, tông Thiên thai Nhật bản. Vị A xà lê tu hành theo cách ấy gọi là Hồi phong hành giả, Hành môn a xà lê. Danh từ Hồi phong có xuất xứ từ Kim cương đính kinh nhất tự đính luân vương du già nhất thiết thời xứ niệm tụng thành Phật nghi quĩ. Theo truyền thuyết, Hồi phong vốn do Tổ sư của phái Tu nghiệm đạo là ngài Dịch tiểu dác sáng lập, hòa thượng Tương ứng (831-918) kế thừa, đồng thời sửa lại phép tắc, từ đó núi Tỉ duệ bắt đầu thực hành pháp Hồi phong và thầy trò truyền thừa cho đến ngày nay. Còn có thuyết cho rằng Hồi phong bắt nguồn từ việc ngài Tối trừng phỏng theo 3 Thánh tích của Ấn độ là núi Linh thứu, tịnh xá Kì viên và chùa Song lâm mà thiết lập tại Đông sơn, Kyoto, để lễ bái. Pháp tu Hồi phong thờ Bất động minh vương làm Bản tôn, hành giả tu bí pháp Nhật nhật bất động lập ấn, đầu đội nón lá thông, chân mang giầy cỏ, tu khổ hạnh nhiều năm trong rừng núi, chứng nghiệm pháp Tam mật gia trì. Pháp tu này lấy 1000 ngày làm kì hạn, người tu được 500 ngày, gọi là Bạch đới hành giả (Hành giả đai trắng), là Mãn hạ căn; người tu đủ 700 ngày, gọi là Thường hành mãn, tức là Mãn trung căn; người tu đủ 1000 ngày, gọi là Tối thượng đại mãn hành giả, Đại hành mãn, tức là Mãn thượng căn. Hành giả Đại hành mãn có thể tiến vào điện Thanh lương gia trì Thánh thể, gọi là Ngọc thể gia trì, đó là người vinh dự nhất trong Hành môn. Ngoài ra, hành giả được mang giầy cỏ vào điện tham bái nên gọi là Thổ túc tham nội. Pháp tu Hồi phong được lưu hành ở thời đại Thất đinh, đến thời đại Đức xuyên thì cực thịnh. [X. Bắc lãnh hồi phong tiền gia hành thứ đệ; Đường sơn tuần lễ linh sở pháp thí kí; Tuần lễ sở tác thứ đệ; Bắc lãnh hành môn kí].