hội đồ bản

Phật Quang Đại Từ Điển

(繪圖本) Bản có tranh vẽ. Tức là những bức tranh Phật, Bồ tát và chư thiên được vẽ kèm trong bản kinh Phật bằng lá bối của Ấn độ và ở trang đầu, trang cuối bản kinh bằng giấy của Tây tạng. Phật tổ thống kỉ của ngài Chí bàn và Văn thù chỉ nam đồ tán của ngài Duy bạch đời Tống đều thuộc loại này. Ở Nhật bản, vào thời đại Nại lương, bản kinh có vẽ tranh Phật, Bồ tát thì có kinh Quá khứ hiện tại nhân quả. Đến thời Bình an thì có lối vẽ Phản hội (vẽ ở bìa mặt và bìa sau), Hạ hội (dùng mầu lợt vẽ tranh ở cuối để làm phần cúng dường của người viết kinh), thông thường người Nhật bản gọi những loại này là Hội nhập bản. Ngoài ra, trong những kinh sách đào được ở Đôn hoàng, cũng có hình bản vẽ tượng của bồ tát Quan âm và ở phần trên mỗi dòng của bản kinh Phật danh chép tay xưa, đều có vẽ một hình tượng Phật nhỏ.