hồi cốt

Phật Quang Đại Từ Điển

(回鶻) Uigur. Cũng gọi Hồi hột. Chủng tộc thuộc tộc Thổ nhĩ kì, sống rải rác ở các vùng Mông cổ, Cam túc, Tân cương. Từ thế kỉ VIII đến thế kỉ IX là thời kì toàn thịnh của bộ tộc này, họ lấy bờ sông Orkhon (Ngạc nhĩ khôn) ở Ngoại mông cổ làm cứ điểm để tiến vào vùng Trung á. Ban đầu, bộ tộc này là một phần của bộ tộc Thiết lặc, dưới sự cai trị của người Đột quyết, đến đời Tùy thì độc lập, rồi lại bị nhà Đường đô hộ. Về sau họ chia làm 2 nhánh: Cam châu Hồi cốt và Sa châu Hồi cốt. Bộ tộc này rất hung hãn, sống vào các thời Tống, Liêu, Kim. Tây châu Hồi cốt, sống ở vùng Tư thản, phía đông Thổ nhĩ kì, tức là nước Cao xương ngày xưa. Bộ tộc này sùng tín Ma ni giáo và Phật giáo. Khoảng thế kỉ thứ VIII, Tây châu Hồi cốt sử dụng loại văn tự có nguồn gốc từ văn tự Túc đặc (Sogd) và dùng thứ văn tự này để viết chép kinh Phật, những kinh điển hiện còn ấy gồm có: Kinh Kim quang minh, phẩm Phổ môn, kinh Pháp hoa, kinh Di lặc hạ sinh, kinh Tôn thắng đà la ni, kinh Thiên địa bát dương thần chú, v.v… Căn cứ vào lời Bạt của các kinh nói trên, người ta biết các kinh này phần nhiều được dịch lại từ các bản dịch Tây tạng, Thổ phồn và Hán, chứ không dịch trực tiếp từ tiếng Phạm. [X. Tống sử liệt truyện 249].