học nhân

Phật Quang Đại Từ Điển

(學人) I. Học Nhân. Phạm: Saikwa, Sacchisya. Pàli: Sekha. Gọi đủ: Hữu học nhân. Chỉ chung những người tu đạo trong Phật giáo còn trong giai đoạn học hỏi. Cứ theo kinh Phúc điền trong Trung a hàm quyển 30, thì trong thế gian có hai hạng Phúc điền nhân là Học nhân (Pàli: Sekha) và Vô học nhân (Phạm: Azikwa, Pàli: Asekha), Học nhân có 18 loại, Vô học nhân có 9 loại. Đây là chia 27 bậc Thánh làm 2loại Hữu học và Vô học. Hai mươi bảy bậc Thánh này lại được đơn giản hóa còn 7 bậc. Tứ giáo nghĩa quyển 6 (Đại 46, 739 thượng), nói: Trong bảy bậc Thánh này thì 5 bậc trước là Học nhân, còn 2 bậc sau là Vô học. Bắt đầu từ pháp nhẫn phát được chân trí mới có Thánh nhân, do 2 loại Ngũ ấm hữu lậu và Vô lậu mà thấy dấu vết Thánh nhân, nên gọi là Học nhân, còn đối với Thánh đế không tìm cầu nên gọi là Vô học nhân . Tức là trong 7 bậc Thánh: Tùy tín hành, Tùy pháp hành, Tín giải, Kiến chí, Thân chứng, Tuệ giải thoát và Câu giải thoát thì 5 bậc trước là phát được chân trí, vì còn có 5 ấm hữu lậu và 5 ấm vô lậu, còn phải tu học, nên gọi là Học nhân. Hai bậc sau là Thánh vô học. (xt. Thất Thánh, Hiền Thánh). II. Học Nhân. Cũng gọi Học đạo nhân, Học đạo trượng phu.Tiếng gọi chung những người tu học Phật pháp. Trong Thiền lâm thì chỉ cho người tham thiền. Tắc 8 trong Thung dung lục (Đại 48, 232 hạ) ghi: Có học nhân hỏi: Bậc đại tu hành còn rơi vào nhân quả không? . Chương Trường sa cảnh sầm trong Cảnh đức truyền đăng lục (Đại 51, 274, trung), nói: Bao người học đạo chẳng rõ chân Chỉ bởi xưa nay nhận thức thần; Sinh tử ngọn nguồn vô thủy kiếp. Kẻ si gọi đó bản lai thân . [X. Hoàng bá Đoạn tế thiền sư uyển lăng lục; Trấn châu Lâm tế Tuệ chiếu thiền sư ngữ lục; Vân môn Khuông chân thiền sư quảng lục Q.thượng; chương Tuệ thông trong Tục truyền đăng lục Q.19; Hoàng bá sơn Đoạn tế thiền sư truyền tâm pháp yếu].