hoạt phật

Phật Quang Đại Từ Điển

(活佛) Tạng: Hpbrulsku. Mông cổ: Khutuktu, Khutukutu, Hobilghan. Phật sống của Tây tạng. Lạt ma cựu giáo (Hồng giáo)của Tây tạng được phép lấy vợ sinh con làm người thừa kế pháp vị. Từ khi ngài Tông khách ba sáng lập Hoàng giáo mới qui định đời sống độc thân, cho nên trong quá trình kế thừa pháp vị đã có sự chuyển biến lớn lao, đó là sự chuyển sinh của Lạt ma . Sau khi vị Đạt lai lạt ma đời thứ I là Căn đôn châu ba (Tạng: Dge-dun-grub-pa), đệ tử ưu tú của ngài Tông khách ba, thị tịch vào năm 1475 Tây lịch, mọi người đều tin rằng ngài chuyển sinh thành Căn đôn gia mục thố, đó là trường hợp đầu tiên về chế độ chuyển sinh của Hoạt Phật. Không bao lâu, Ban thiền lạt ma cũng noi theo chế độ này, do đó, chế độ chuyển sinh dần dần trở thành phương pháp chính thức kế thừa địa vị Cao tăng trong Lạt ma giáo. Tư tưởng về hóa thân Phật sống ở đời hiện tại này đã khiến cho các nơi xuất hiện nhiều Phật sống quá, đến nỗi đưa đến sự đối kháng lẫn nhau giữa các tông phái có thế lực. Bởi vậy, để duy trì sự phát triển của giáo đoàn, khi lâm chung, vị Cao tăng liền báo trước phương hướng chuyển sinh đời kế tiếp. Đệ tử theo phương hướng thầy mình đã nói, đến nơi ấy tìm một thần đồng sinh ra trong vòng một năm, sau khi đã qua cuộc thử nghiệm chính thức, cậu bé ấy được suy tôn làm người thừa kế, đó chính là Hô tất lặc hãn (Hobilghan, Khublighan). Hô tất lặc hãn là tiếng Mông cổ, có nghĩa là tự tại chuyển sinh , tái lai nhân , v.v… và là Châu cô (Sprul-sku); Châu cô là tiếng Tây tạng, có nghĩa là hóa thân . Người phàm phu vọng niệm chưa trừ, theo nghiệp chuyển sinh không được tự tại; bậc Thánh của Đại thừa đã trừ sạch vọng niệm, chứng pháp tính chân thực, không bị nghiệp chuyển, nên tự làm chủ việc sinh tử, tự tại chuyển sinh, tùy duyên độ chúng. Tư tưởng tự tại chuyển sinh này bắt nguồn từ tín ngưỡng luân hồi thụ sinh và 3 thân của Phật. Qua phương thức chuyển sinh Hô tất lặc hãn để tiếp nhận chức vị do đời trước để lại, thì chức ấy được gọi là Hô đồ khắc đồ, tiếng Mông cổ là Khutuktu, nghĩa là minh tâm kiến tính, sinh tử tự chủ , từ ngữ này tiếng Tây tạng cũng có nghĩa là Châu cô (hóa thân) và Thánh giả. Có thuyết cho rằng bậc Thánh chuyển sinh của Tây tạng gọi là Hô tất lặc hãn, còn thân chuyển hóa của các bậc Thánh tăng Ấn độ và Tây tạng thì gọi chung là Hô đồ khắc đồ. Nhưng nói chung, Hồ đồ khắc đồ là một chức vụ về mặt hành chính được nhà nước phong tặng, còn Hô tất lặc hãn là người tu hành tuy chuyển sinh nhưng vẫn không mê mất bản tính, cho nên phàm đã là Hô đồ khắc đồ tất nhiên cũng là Hô tất lặc hãn. Nhưng người tu hành trở thành Hô tất lặc hãn thì chưa hẳn đều được phong tặng tước vị Hô đồ khắc đồ. Hiện nay có tới 160 vị Hoạt Phật từ các vùng Tây tạng, Ngoại mông, Nội mông, Cam túc, Thanh hải, Tây khang, v.v… đang sống tại thủ đô Bắc kinh. Các vị Đạt lai lạt ma và Ban thiền lạt ma của Tây tạng, Triết bá tôn đan ba hô đồ khắc đồ (Rje btsun dam pa khutukta) của Ngoại mông và Chương gia của Nội mông, v.v… đều là những vị Hoạt Phật nổi tiếng trong lịch sử. [X. điều Ô tư tạng đại bảo pháp vương trong Minh sử Q.331; Thánh triều phủ tuy Tây tạng kí thượng, hạ trong Thánh vũ kí Q.5; Đại thanh hội điển sự lệ; Mông Tạng Phật giáo sử (Diệu chu); Cận đại Tây tạng sử nghiên cứu cập cận đại Mông cổ sử nghiên cứu (Thỉ dã Nhân nhất); Mông cổ lạt ma giáo sử (Kiều bản Quang bảo)].