hoạt mệnh

Phật Quang Đại Từ Điển

(活命) I. Hoạt Mệnh. Phạm:Jìvaka, ajìvaka (dịch âm: A thời phạ ca, A thời bà ca, A dần bà ca, A thời bà), Ajìvika (dịch âm: A kì tì già, A di duy, A kì duy). Chỉ cho sự sinh hoạt, sự sống còn. Người xuất gia tu hành nên dứt bỏ vật dục, chuyên tâm tu đạo, nếu kinh doanh buôn bán, xem tướng số, bói lành dữ cho người, hoặc hiện các việc kì lạ để lòe đời, mong được tiền của cho việc mưu sinh, hoặc vì cơm áo mà nói pháp cho người, v.v… thì gọi là Hoạt mệnh, nghĩa là kiếm sống bằng tà đạo chứ không phải chính đạo. Như luật Tứ phần quyển 30 chép, thời đức Phật còn tại thế, có nhóm Lục quần tỉ khưu ni học tập chú Chi tiết, chú Sát lợi, xem tướng chết, bói để biết âm thanh các loài chim, v.v… và dùng cách đó để mưu sinh (hoạt mệnh). Ngoài ra, nhóm Mạt ca lợi cù xá lê (Pàli: Makkhali-gosàla) thuộc ngoại đạo Ni kiền tử cùng thời với đức Phật, cũng làm những nghề nói trên để kiếm sống, nên gọi là Tà mệnh ngoại đạo. [X. kinh Trường a hàm Q.14; phẩm Bố thí trúc viên trong kinh Phật bản hạnh tập Q.45; luật Ma ha tăng kì Q.7; luận Đại trí độ Q.19; Thành duy thức luận thuật kí Q.1 phần cuối; Đại thừa nghĩa chương Q.10]. (xt. Tà Mệnh). II. Hoạt Mệnh. Phạm: Jìvaka. Dịch âm: Kì bà, Thời bà, Thời phạ ca. Tên một vị Đại lương y ở thời đức Phật. Vì ông đã cứu mạng sống cho nhiều người mắc bệnh nan y, nên được gọi là Hoạt mệnh. Câu xá luận quang kí quyển 5 (Đại 41, 103 thượng), nói: Bấy giờ có Phạ ca, Hán dịch là Hoạt mệnh, rất giỏi về thuốc, chữa lành các bệnh, cứu sống được nhiều người, nên gọi là Hoạt mệnh . Ngoài ra còn có một Đồng tử tên là Hoạt mệnh, từng được đức Phật thụ kí.