hoành siêu

Phật Quang Đại Từ Điển

(橫超) Vượt ngang. Chỉ cho pháp môn không cần phải trải qua thứ tự các giai vị mà hành giả có thể đạt được Vô thượng Niết bàn một cách nhanh chóng. Một trong Nhị song tứ trùng giáo phán của Tịnh độ Chân tông Nhật bản. Pháp môn này tức là ý nghĩa chân thực của bản nguyện Di đà. Ngài Thiện đạo, Tổ sư của tông Tịnh độ Trung quốc, đã căn cứ vào ý nghĩa của câu: Hoành tiệt ngũ ác thú, ác thú tự nhiên bế (Cắt ngang năm đường ác, đường ác tự nhiên dứt) trong kinh Vô lượng thọ quyển hạ (Đại 12, 274 trung) mà lập thuyết Hoành siêu đoạn tứ lưu (Vượt ngang dứt bốn dòng), tức có hàm nghĩa Nhất thừa đốn giáo trong đó. Ngài Thân loan, Tổ khai sáng của Tịnh độ Chân tông Nhật bản, noi theo thuyết của ngài Thiện đạo, cho rằng Hoành siêu tức là ý nghĩa chọn Báo độ chân thực của bản nguyện thì liền được vãng sinh. Cũng tức là đối với bản nguyện của Phật Di đà một lòng tin sâu, không hoài nghi, theo nguyện lực của Ngài mà tu hành, tâm không tán loạn, thì sau khi mệnh chung sẽ trực tiếp được sinh về Báo độ chân thực. Vì Hoành siêu là nhờ vào bản nguyện tha lực của Phật nên bản nguyện của Ngài cũng được gọi là Hoành siêu đại thệ nguyện . Ngoài ra, do sự hồi hướng bản nguyện lực của tín tâm kim cương có khả năng cắt ngang 5 đường ác, vượt chứng Đại niết bàn, cho nên cũng gọi là Hoành siêu kim cương tâm. [X. Quán kinh huyền nghĩa phần (Thiện đạo); Giáo hành tín chứng Q.3; Hiển tịnh độ chân thực tín văn loại; Hiển tịnh độ phương tiện hóa thân độ văn loại; Ngu thốc sao Q.thượng; Duy tín sao văn ý]. (xt. Nhị Song Tứ Trùng).