hoằng trữ

Phật Quang Đại Từ Điển

(弘儲) (1605-1672) Vị Thiền tăng thuộc tông Lâm tế ở cuối đời Minh đầu đời Thanh, người Thông châu, Giang nam, họ Lí, tự Kế khởi, hiệu Thoái ông.Thủa nhỏ, gia đình gặp nạn, sư được bà nội nuôi nấng. Năm 16 tuổi, sư học ở trường làng, nhưng không nghĩ đến công danh, trái lại rất tin Phật pháp và thích đạo Thiền, tham cứu có chỗ tâm đắc. Năm 25 tuổi, sư theo ngài Hán nguyệt Pháp tạng xuất gia, khổ tu nhiều năm, cuối cùng được nối pháp. Về sau, sư hoằng pháp ở chùa Tường phù, núi Phù tiêu, Thường châu, rồi lần lượt trụ trì các danh lam như: Chùa Sùng báo, núi Linh nham, Tô châu, chùa Bảo vân ở núi Nghiêu phong, chùa Vân nham ở núi Hổ khâu, chùa Kim túc quảng tuệ ở Tú châu (Gia hưng, Chiết giang), v.v… Sư thông suốt nội điển và các học thuyết của Bách gia chư tử, độ lượng bao dung, uy nghi đĩnh đạc, ai thấy cũng kính phục. Sau khi người Mãn Thanh xâm chiếm Trung hoa, sư thường hoài vọng cố quốc, mưu việc khôi phục nên thường giúp đỡ các đội nghĩa quân ở Ngô, Việt. Có lần sư bị bắt, tin chắc sẽ chết, nhưng sau được nghĩa sĩ ra sức cứu thoát. Mỗi năm đến ngày quốc nạn, sư mặc áo tang rơi lệ lễ bái, suốt 28 năm. Người đời cho đó là lấy trung hiếu làm Phật sự. Dưới pháp tòa của sư, có vài trăm vị long tượng, hơn 70 người đắc pháp. Tháng 9 năm Khang hi 11 (1672) sư tịch, thọ 68 tuổi, tháp xây ở núi Nghiêu phong hiệu Đại quang minh tạng. Sư có trứ tác trên 100 quyển Ngữ lục và thi văn kệ tụng, nhưng phần lớn đã bị thiêu hủy. Hiện nay chỉ còn các sách: Nam nhạc Kế khởi hòa thượng ngữ lục, 10 quyển, Nam nhạc lặc cổ, 1 quyển, Linh nham kí lược, 1 quyển. [X. Ngũ đăng toàn thư Q.69; Chính nguyên lược tập Q.5].