hoằng nhất

Phật Quang Đại Từ Điển

(弘一) (1880-1942) Vị danh tăng trung hưng Luật học Nam sơn, sống vào thời Dân quốc, người Bình hồ, Chiết giang, họ Lí, tên Quảng hầu, hiệu Thúc đồng. Cũng lấy tên là Thành hề, tự Tích sương. Tính sư điềm đạm, giản dị, ngoài thi văn từ phú ra, sư còn giỏi về thư họa, đặc biệt là chữ triện, thư pháp đã đạt được bí quyết của Hán Ngụy Lục triều. Năm 26 tuổi, sư sang Nhật bản theo học ở trường Mĩ thuật chuyên môn tại Thượng dã, đồng thời nghiên cứu về âm nhạc, sáng lập Xuân liễu kịch xã , mở đầu phong trào vận động tân kịch nghệ Trung quốc. Sau khi về nước, sư dạy ở trường Công nghiệp chuyên môn tại Thiên tân, rồi đến Thượng hải làm chủ bút báo Thái bình dương, mượn thư họa văn tự để tuyên truyền cách mạng. Sư nhận lời mời của trường Sư phạm đệ nhất ở Chiết giang đặc trách về các khoa Hội họa, Âm nhạc trong 7 năm, là người đầu tiên giới thiệu hí kịch, hội họa, âm nhạc phương Tây ở Trung quốc. Năm dân quốc thứ 7 (1918), lúc 39 tuổi, sư đến chùa Đại từ ở Hàng châu, lễ ngài Liễu ngộ xin xuất gia. Ít lâu sau, sư được phép đến chùa Linh ẩn thụ giới Cụ túc, được đặt pháp danh là Diễn âm, hiệu Hoằng nhất. Sư từng than thở sở dĩ giới tăng sĩ thường bị người đời chê cười là vì không giữ giới luật, cho nên sư phát nguyện trọn đời tinh nghiêm giới pháp. Mới đầu, sư học luật của Hữu bộ, nhưng về sau thì chuyên hoằng truyền Luật tông Nam sơn. Sư tu hành kham khổ, thường mang dép gai, một mình một túi, vân du khắp nơi, giảng kinh hoằng pháp. Năm Dân quốc 16 (1927), sư gởi thư đến nhà cầm quyền ở Hàng châu đề nghị chấm dứt chính sách diệt Phật . Dân quốc 25 (1936), sư nhập thất trong hang núi Nhật quang trên hòn đảo Cổ lãng, rồi ra nước ngoài thỉnh được tạng Kinh hơn một vạn quyển. Về sau, sư lại nhập thất ở chùa Phổ tế tại Vĩnh xuân và chùa Phúc lâm tại Tuyền châu. Về già, sư tự xưng là Vãn tình lão nhân, Nhị nhất lão nhân. Bình sinh sư rất sùng kính đại sư Ấn quang và học theo phong cách của ngài là không thu nhận đồ chúng, không trụ trì chùa, am nào, chỉ lấy việc viết chữ tặng người để kết duyên. Phong cách cao thượng, thanh thoát và điềm đạm của sư đã có ảnh hưởng rất lớn đối với giới Phật giáo thời Dân quốc. Tháng mười năm Dân quốc 31 (1942) sự thị tịch tại viện Dưỡng lão Ôn lăng, Tấn giang, thọ 63 tuổi, tăng lạp 24.Tác phẩm của sư gồm có: Di đà nghĩa sớ hiệt lục, Tứ phần luật tỉ khưu giới tướng biểu kí, Thanh lương ca tập, Hoa nghiêm liên tập, Giới bản yết ma tùy giảng biệt lục, Tứ phần hàm chú giới bản giảng nghĩa, Nam sơn đạo tổ lược phổ…