hoằng minh tập

Phật Quang Đại Từ Điển

(弘明集) Tác phẩm, 14 quyển, 58 thiên, do ngài Tăng hựu (445-518) soạn vào đời Lương thuộc Nam triều, thu vào Đại chính tạng tập 52. Nội dung sách này thu tập các bộ luận điển xiển dương và hộ trì Phật pháp trong khoảng hơn 500 năm từ thời Đông Hán cho đến các đời Tề, Lương thuộc Nam triều. Phật giáo Trung quốc từ thời Đông Tấn về sau đã rất hưng thịnh, dần dần có thế hơn cả Nho giáo và Đạo giáo. Do đó, các Nho gia và Đạo sĩ đã đặt ra nhiều vấn đề tranh luận để công kích và bài bác Phật giáo một cách kịch liệt. Như Bạch hắc luận của Tuệ lâm, Di hạ luận của Cố hoan, Môn luật của Trương dung, v.v… đều nhằm hạ giảm uy tín của Phật giáo. Trong tình hình ấy, ngài Tăng hựu tuy đã già yếu, lại thêm bệnh hoạn luôn, nhưng vẫn gắng sức hộ trì Phật pháp, bất cứ việc gì có ích cho Tam bảo, ngài đều biên chép, như bản Hoằng minh tập này là bộ sách giải đáp những vấn đề bài Phật của thế tục đương thời, trong đó, ngài nêu ngay những việc được ghi chép trong sách sử của Nho giáo và Đạo giáo để thuyết minh nghĩa lí của Phật giáo. Tập luận này được gọi là Hoằng minh có nghĩa là hoằng đạo, minh giáo. Mười một quyển đầu trả lời sự phê phán của Nho, Đạo và nêu rõ chỗ dị đồng giữa Nho, Thích, Đạo; 3 quyển sau thì tích cực xiển minh giáo nghĩa Phật giáo. Bộ sách này rất dễ hiểu đối với mọi người và là một tư liệu quan trọng cho việc tìm hiểu sự giao lưu giữa Nho, Thích, Đạo ở đương thời. Ngoài ra, sách này được chép trong Xuất tam tạng kí tập chỉ có 10 quyển 33 thiên, về sau bổ sung thành 14 quyển, 57 thiên; ngài Đạo tuyên đời Đường căn cứ vào đây soạn Quảng hoằng minh tập 30 quyển, chính là tiếp theo sách này. [X. Lịch đại Tam bảo kỉ Q.11; Đại đường nội điển lục Q.4; Đường thư nghệ văn chí Q.49].