hoàng long phái

Phật Quang Đại Từ Điển

(黃龍派) Cũng gọi Hoàng long tông. Chi phái của tông Lâm tế, do thiền sư Hoàng long Tuệ nam (1002-1069) khai sáng. Thiền sư Tuệ nam là học trò của ngài Thạch sương Sở viên, Tổ thứ 7 của tông Lâm tế. Vào năm Cảnh hựu thứ 3 (1036), sư đến ở núi Hoàng long, huyện Long hưng, tỉnh Giang tây, mở rộng việc giáo hóa, bèn trở thành Tổ khai sáng phái Hoàng long. Sự tiếp hóa của ngài Thạch sương rất nghiêm khắc, sư Tuệ nam thấu hiểu được phương pháp của ngài nên cũng có phong cách như thế. Bấy giờ, sư Dương kì Phương hội cũng là học trò của ngài Thạch sương, sáng lập phái Dương kì; người đương thời dụ sư Hoàng long Tuệ nam là rồng và dụ sư Dương kì Phương hội là hổ. Đệ tử của sư Hoàng long có các vị: Chân tịnh Khắc văn, Đông lâm Thường tổng, Hối đường Tổ tâm, v.v… Học trò của Khắc văn thì có: Đâu suất Tòng duyệt, Lặc đàm Văn chuẩn, Tuệ nhật Văn nhã, v.v…; Học trò của Tổ tâm có: Tử tâm Ngộ tân, Linh nguyên Duy thanh, Lặc đàm Thiện thanh, v.v… Phái Hoàng long đã đóng góp rất nhiều công sức vào việc thành lập Đại Tạng Kinh bản đời Tống. Vào thời Nam Tống, phái Dương kì hưng thịnh, còn phái Hoàng long thì mỗi ngày một suy vi dần. Đến năm Thuần hi 13 (1186) đời Tống, có vị tăng Nhật bản là Minh am Vinh tây đến Trung quốc, theo học nơi Hư am Hoài xưởng của phái này. Sau khi trở về nước, sư Vinh tây mở ra một phái Hoàng long tại chùa Kiến nhân thuộc tông Lâm tế Nhật bản, thành là một trong 24 dòng phái của Thiền tông Nhật bản. [X. Thiền lâm tăng bảo truyện Q.22; Ngũ đăng hội nguyên Q.7; Thiền tông chính mạch Q.9]. (xt. Hoàng Long Tam Quan).