Hoàng Long Huệ Nam

Từ điển Đạo Uyển


黃龍慧南; C: huánglóng huìnán; J: ōryo e’nan; 1002-1069; Thiền sư Trung Quốc, Khai tổ hệ phái Hoàng Long thuộc tông Lâm Tế. Sư là môn đệ xuất sắc của Thiền sư Thạch Sương Sở Viên (Từ Minh). Kế thừa Sư có hai vị danh tiếng, đó là Hối Ðường Tổ Tâm và Bảo Phong Khắc Văn. Sư họ Chương tên Huệ Nam, quê ở Học Sơn Tín Châu. Thuở bé đã thâm trầm, có tướng đại nhân, không ăn thịt cá. Năm 11 tuổi, Sư xuất gia học với nhiều thầy nhưng sau nhiều năm tu luyện vẫn còn mù mịt. Một hôm, có vị Thiền sư tên Vân Phong Văn Duyệt đến bảo Sư: “Thiền sư Hoài Trừng tuy là con cháu Vân Môn nhưng pháp đạo còn khác xa Vân Môn.” Sư hỏi: “Khác ở chỗ nào?” Văn Duyệt đáp: “Vân Môn như đơn sa đã chín phen luyện, để vào sắt liền biến thành vàng; Hoài Trừng như dược hống ngân, nhìn thấy đẹp mắt mà để vào lò liền chảy.” Nghe thầy mình bị chê Sư nổi giận cầm chiếc gối ném Văn Duyệt. Văn Duyệt xin lỗi lại nói: “Chí khí Vân Môn như vua, cam chịu ngữ tử sao? Hoài Trừng có pháp dạy người là tử ngữ. Tử ngữ mà hay làm người sống được sao?” Nói xong Văn Duyệt bỏ đi. Sư kéo lại nói: “Nếu vậy thì ai hợp ý thầy?” Văn Duyệt bảo: “Thạch Sương Sở Viên thủ đoạn vượt cả mọi nơi, thầy muốn yết kiến thì không nên chậm trễ.” Sư bèn khăn áo lên đường. Ði giữa đường, Sư nghe đồn Thạch Sương mỗi việc đều lừa đảo thiền sinh, liền thối chí không đến Thạch Sương, ở lại chùa Phúc Nghiêm giữ chức thư kí, học nơi Thiền sư Hiền. Chợt Thiền sư Hiền tịch, quận thú mời Thạch Sương đến trụ trì. Nghe Thạch Sương luận nói chê các nơi mỗi điều thuộc tà giải, Sư nhớ lại lời của Văn Duyệt lúc bình nhật rất đúng, bèn thay đổi quan niệm, tự nhủ: “Ðại trượng phu thâm tâm nghi ngờ hoài sao?” Sư đến Thạch Sương cầu xin yếu chỉ. Thạch Sương cười bảo: “Thư kí lĩnh đồ chúng và du phương, nếu còn có nghi ngờ thì chẳng cần phải khổ cầu như vậy, hãy ngồi mà thương lượng.” Thạch Sương gọi thị giả đem ghế mời ngồi. Sư từ chối và thành khẩn yêu cầu chỉ dạy. Thạch Sương hỏi: “Thư kí học thiền Vân Môn ắt thông được yếu chỉ ấy. Như nói: ›Tha Ðộng Sơn ba gậy.‹ Ðộng Sơn khi ấy nên đánh hay chẳng nên đánh?” Sư thưa: “Nên đánh.” Thạch Sương nghiêm nghị bảo: “Nghe tiếng ba gậy liền cho là nên ăn gậy, vậy ông từ sáng đến chiều nghe chim kêu trống đánh… cũng nên ăn ba gậy. Ăn gậy đến lúc nào mới thôi?” Sư nghe vậy chẳng biết nói gì, Thạch Sương lại bảo: “Ta lúc đầu nghi không thể làm thầy ông, giờ đây đã đủ tư cách. Ông hãy lễ bái đi.” Sư lễ bái xong đứng dậy. Thạch Sương nhắc lời trước: “Triệu Châu thường nói: ›Bà già ở Ðài Sơn bị ta khám phá.‹ Nếu ông hội được ý chỉ Vân Môn thì thử chỉ chỗ khám phá xem?” Sư mặt nóng hực, mồ hôi toát ra, không biết đáp thế nào, bị Thạch Sương đuổi ra. Hôm sau, Sư lại vào thất, bị Thạch Sương mắng chửi tiếp. Sư hổ thẹn, nhìn những người hai bên nói: “Chính vì chưa hiểu câu quyết nghi, mắng chửi đâu phải là quy củ từ bi thí pháp.” Thạch Sương cười nói: “Ðó là mắng chửi sao?” Nhân câu này, Sư đại ngộ, tất cả kiến chấp đều tan vỡ. Năm ấy Sư được 35 tuổi. Sư ở trong thất thường hỏi tăng ba câu, được người sau gọi là Hoàng Long tam quan ngữ: 1. “Người người trọn có sinh duyên, Thượng toạ sinh duyên chỗ nào?”; 2. Lúc vấn đáp qua lại, Sư duỗi tay nói: “Tay ta sao giống tay Phật?”; 3. Hỏi chỗ sở đắc của các vị tông sư, Sư liền duỗi chân nói: “Chân ta sao giống chân lừa?” Sư lấy ba câu này hỏi hơn ba mươi năm. Nếu có người đáp thì Sư không nói phải chẳng phải, khép mắt ngồi thẳng, không ai lường ý. Có người hỏi lí do, Sư đáp: “Ðã ra khỏi cửa thì lay tay đi thẳng, chẳng cần biết có kẻ gác cửa. Từ người gác cửa hỏi phải chẳng phải, ấy là người chưa qua khỏi cửa vậy.” Sư trụ tại Hoàng Long, môn đệ tấp nập. Ðến niên hiệu Hi Ninh năm thứ hai, ngày 17 tháng 3, Sư thị tịch, thọ 68 tuổi, được 50 tuổi hạ.