hoại pháp bất hoại pháp

Phật Quang Đại Từ Điển

(壞法不壞法) Hoại pháp và Bất hoại pháp là 2 pháp quán tưởng để thành tựu quả A la hán. Đây là theo cảnh sở quán mà đặt tên. Hoại pháp , tức là khi tu quán bất tịnh, dùng tuệ giả tưởng, lần lượt thực hành 9 quán tưởng về bản thân và về người mình yêu mến, đó là: Quán tưởng chương sình lên, quán tưởng bắt đầu rữa nát, quán tưởng máu chảy ra, quán tưởng mủ rịn ra, quán tưởng xanh bầm, quán tưởng chim thú đến ăn và giòi bọ rúc rỉa, quán tưởng da thịt tan rã, quán tưởng chỉ còn bộ xương và quán tưởng lửa đốt thành tro. Khi đến pháp quán lửa đốt thành tro thì quán tưởng tất cả đều không nên gọi là Hoại pháp. Người tu pháp này chỉ một lòng cầu dứt khổ, nhưng vì hành giả không thích tu sự quán, cho nên dù đã được quả A la hán Tuệ giải thoát vẫn còn thoái chuyển, bỏ quả A la hán. Bất hoại pháp cũng dùng tuệ giả tưởng tu quán bất tịnh. Trong 9 quán tưởng nói trên, lần lượt tu từ pháp quán tưởng sình chương lên đầu tiên trở đi như thường, nhưng dừng lại ở Pháp quán thứ 8 (còn trơ bộ xương) chứ không tiến tới pháp quán thứ 9 (lửa đốt thành tro, quán không). Khi dừng lại ở pháp quán thứ 8 còn trơ bộ xương thì khiến cho trí quán tưởng tăng thêm, thấy suốt được ở trong xương có: Đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, gọi là 8 sắc mà trước kia chưa thấy. Tám sắc này đều phát ra ánh sáng tựa hồ như nước chảy, bao quanh bộ xương, khiến cho người tu quán cảm thấy hổ thẹn, tâm định lắng yên, càng lúc càng sâu. Tóm lại, người thực hành pháp quán này, về phương diện tuệ quán, có đầy đủ tất cả công đức như: Bát bối xả, Bát thắng xứ, Quán luyện huân tu, thần thông biến hóa, v.v… Trải qua quá trình tu quán như thế, sau mới chứng quả Vô học, tức là thành tựu quả A la hán Câu giải thoát . Vì khi thực hành pháp quán này, hành giả còn giữ lại bộ xương, không quán tưởng tất cả đều không, cho nên gọi là Bất hoại pháp. [X. kinh Tạp a hàm Q.2; luận Đại trí độ Q.21; Ma ha chỉ quán Q.9 phần trên; Thiên thai tứ giáo nghi tập chú Q.trung]. (xt. Bát Giải Thoát).