hoài hải

Phật Quang Đại Từ Điển

(懷海) (720-814) Vị Thiền sư sống vào đời Đường, người huyện Trường lạc thuộc Phúc châu (Phúc kiến), họ Vương (có thuyết nói họ Hoàng). Vì suốt quãng thời gian nửa đời sau sư thường ở tại núi Bách trượng thuộc Hồng châu (huyện Phụng tân, tỉnh Giang tây ngày nay), nên người đời gọi sư là thiền sư Bách trượng. Sư theo thiền sư Tuệ chiếu xuất gia ở Tây sơn tại Triều dương (nay là huyện Triều an, tỉnh Quảng đông) và y vào luật sư Pháp triều ở Hành sơn thụ giới Cụ túc. Sau, sư đến chùa Phù tra ở Lư giang (tỉnh An huy) đọc Đại tạng. Khoảng đầu năm Đại lịch (766), sư đến Nam khang (tỉnh Giang tây) tham học thiền sư Mã tổ Đạo nhất. Bách trượng Hoài hải thiền sư ngữ lục (Vạn tục 119, 409 hạ), chép: Một hôm, sư theo ngài Mã tổ đi ra ngoài, giữa đường thấy một đàn vịt trời bay qua, Mã tổ hỏi: Cái gì thế kia? Đàn vịt trời, sư đáp. Chúng bay đi đâu? Bay qua rồi, sư đáp. Mã tổ liền vặn mũi sư, đau quá sư kêu thất thanh. Hãy nói bay qua đi! Mã tổ giục sư. Ngay câu nói đó sư tỏ ngộ và được nối pháp . Sau khi ngài Mã tổ thị tịch, nhận lời thỉnh cầu của đại chúng, sư khai đường thuyết pháp ở núi Bách trượng, xiển dương Thiền chỉ của Nam tông. Sư dung hợp luật Đại thừa, Tiểu thừa lập ra Bách Trượng Thanh Qui , là pháp tắc đầu tiên của Thiền tông, cũng là sự cống hiến lớn nhất của sư đối với Thiền gia. Cứ theo Tổ đường tập quyển 14, thì bình sinh sư khổ hạnh thanh cao, trong những việc hằng ngày sư thường làm trước chúng tăng, vị Chủ sự không nỡ thấy sư vất vả, lén cất dụng cụ làm việc của sư đi và thỉnh sư nghỉ ngơi, sư không chịu và nói: Lão tăng không có đức, đâu dám để mọi người cực nhọc vì mình , rồi đi tìm dụng cụ khắp nơi không thấy, sư liền nhịn ăn vì không có dụng cụ để làm việc. Cho nên trong tùng lâm có giai thoại Một ngày không làm, một ngày không ăn . Sư thường dạy đại chúng làm việc một cách bình đẳng và nhiếp thụ môn đồ cũng với tâm bình đẳng, bởi thế những người tài giỏi trong nước đều về tham học nơi sư. Trong đó, nổi bật nhất có các ngài: Hoàng bá Hi vận, Qui sơn Linh hựu, Bách trượng Pháp chính, Tây viện Đại an, Đại từ Hoàn trung, v.v…, trong số này có đệ tử của ngài Hoàng bá là Lâm tế Nghĩa huyền khai sáng tông Lâm tế, đệ tử của ngài Qui sơn là Ngưỡng sơn Tuệ tịch khai sáng tông Qui ngưỡng. Về Ngữ lục của sư, theo bài minh trên tháp do ông Trần hủ soạn (Đại 48, 1157 thượng), nói: Đệ tử của sư là Thần hành Phạm vân thu chép những lời dạy của sư, biên thành ngữ lục, những người học ngày nay đều thờ bản Ngữ lục này làm thầy . Tổ đường tập cũng nói sư có Ngữ lục lưu hành ở đời. Do đó ta biết được việc các đệ tử biên tập Ngữ lục của sư vào thời ấy là có thực. Những bộ Ngữ lục của sư hiện còn thì có: Bách trượng Hoài hải thiền sư ngữ yếu 2 quyển, Bách trượng Hoài hải thiền sư ngữ lục 1 quyển, Bách trượng Hoài hải thiền sư quảng lục 1 quyển, được thu vào Tứ gia ngữ lục quyển 2, quyển 3 và Cổ tôn túc ngữ lục quyển 1 trong Vạn tục tạng tập 119. Về công án của sư, ngoài công án Đàn vịt trời nói ở trên còn có các công án nổi tiếng khác như: Ngồi một mình trên ngọn Đại hùng , Bách trượng và cáo đồng , Cuốn chiếu , Tái tham Mã tổ , v.v… Về niên đại sư thị tịch thì thông thường các thuyết đều nhất trí cho rằng sư tịch vào niên hiệu Nguyên hòa năm đầu (814). Nhưng trong bài minh viết trên tháp do ông Trần hủ soạn thì nói sư thọ 66 tuổi. Còn Tống cao tăng truyện quyển 10, Cảnh đức truyền đăng lục quyển 6 và Thiên thánh quảng đăng lục quyển 8 thì đều cho rằng sư thọ 95 tuổi. Sau khi sư thị tịch, vào niên hiệu Trường khánh năm đầu (821), sư được đặt thụy hiệu là Đại Trí Thiền Sư , hiệu tháp là Đại Thắng Bảo Luân . Đến niên hiệu Đại quan năm đầu (1107) đời Bắc Tống, sư được truy thụy Giác Chiếu Thiền Sư . Rồi đến năm Nguyên thống thứ 3 (1335) đời Thuận đế nhà Nguyên, sư lại được thêm thụy hiệu Hoằng Tông Diệu Hạnh Thiền Sư . [X. Bích nhan lục tắc 26, tắc 53, tắc 70, tắc 71; Vô môn quan tắc 2].