hoà thượng

Phật Quang Đại Từ Điển

(和尚) Phạm: Upàdhyàya. Pàli: Upajjhàya. Cũng gọi Hòa xà, Hòa xã, Ốt xã, Cốt xã, Ô xã. Dịch âm: Ô ba đà da, Ưu bà đà ha, Úc ba đệ da dạ. Dịch ý: Thân giáo sư, Lực sinh, Cận tụng, Y học, Đại chúng chi sư. Chỉ cho bậc xuất gia có trí tuệ đức hạnh cao quí. Hòa thượng là vị thầy gương mẫu cho những người thụ giới, nên các tông Hoa nghiêm, Thiên thai, Tịnh độ, v.v… đều gọi là Giới hòa thượng . Đến đời sau, từ này được các đệ tử dùng để tôn xưng thầy tổ của mình. Nhưng danh từ Hòa thượng là chuyển âm sai từ tiếng Tây vực, như tiếng Pwàjjhaw của Cưu tư, v.v… Cũng có thuyết cho rằng người Ấn độ xưa gọi thầy của mình là Ô xã, còn người nước Vu điền thì gọi thầy là Hòa xã, Hòa xà (Khosha), tiếng Hòa thượng chính đã được chuyển âm sai từ đó. Còn ngài Cưu ma la thập dịch từ Hòa thượng là Lực sinh, nghĩa là đệ tử nương vào bậc thầy mà phát sinh đạo lực. Cứ theo luận Đại trí độ quyển 13, thì sa di, sa di ni xuất gia thụ giới, phải cầu thỉnh 2 vị thầy: Một là Hòa thượng, hai là A xà lê; Hòa thượng ví như cha, A xà lê ví như mẹ. Ở Tây tạng, Hòa thượng là ngôi vị cao nhất trong bốn ngôi vị, quyền hạn chỉ dưới Đạt lai lạt ma và Ban thiền lạt ma. Hòa thượng giữ chức Trụ trì các chùa lớn. Trong các cấp bậc quan chức của Tăng đoàn Phật giáo Nhật bản, các danh xưng chức vị Đại hòa thượng, Hòa thượng, về sau, các từ này được chuyển thành tiếng tôn xưng các bậc Cao tăng. [X. Luật tứ phần Q.33, 39; Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ bách nhất yết ma Q.1; Nam hải kí qui nội pháp truyện Q.3; Tống cao tăng truyện Q.3; Huyền ứng âm nghĩa Q.8; Phiên dịch danh nghĩa tập Q.4; Tuệ lâm âm nghĩa Q.13; môn Xưng hô trong Thiền lâm tượng khí tiên].