hoa nghiêm thập dị

Phật Quang Đại Từ Điển

(華嚴十異) Mười tướng khác nhau giữa kinh Hoa nghiêm và các kinh khác. Hoa nghiêm nhất thừa giáo nghĩa phân tề chương quyển 1 tổng quát các tướng khác nhau ấy thành 10 môn để hiển bày lí trùng trùng vô tận của pháp giới Hoa nghiêm và gọi kinh Hoa nghiêm là giáo nghĩa Nhất thừa để phân biệt với Tam thừa. Mười tướng khác nhau là: 1. Khác nhau về thời (Thời dị): Giáo nghĩa Nhất thừa này do đức Thế tôn nói ở thời đầu tiên trong 14 ngày, cũng như mặt trời mới mọc, trước hết chiếu trên núi cao; lại ở thời đầu tiên này bao nhiếp tất cả thời, không có khoảng cách giữa trước và sau. Còn Tam thừa thì vì tùy theo căn cơ mà thời không nhất định, nên chưa thể nhất thời thu nhiếp tất cả thời. 2. Khác nhau về nơi chỗ (Xứ dị): Nơi đức Phật nói giáo nghĩa Nhất thừa này là ở gốc cây Bồ đề trong Liên hoa tạng thế giới hải được trang nghiêm bằng các thứ quí báu, gồm thu cả 7 chỗ, 8 hội và vô lượng thế giới hải khác ở trong đó, cũng tức là một chỗ này bao nhiếp tất cả chỗ. Còn giáo nghĩa Tam thừa thì chỉ được nói ở các gốc cây trong thế giới Sa bà, mà cũng không có nghĩa là một chỗ tức tất cả chỗ. 3. Khác nhau về chủ (Chủ dị): Giáo nghĩa Nhất thừa này do 10 thân Phật Lô giá na và vô tận thân Phật 3 thế gian tuyên nói, tức là Phật, Bồ tát, cõi nước, chúng sinh, tất cả 3 đời cùng nói; còn giáo nghĩa Tam thừa thì chỉ do Hóa thân và Thụ dụng thân của Phật tuyên nói. 4. Khác nhau về thính chúng (Chúng dị): Thính chúng nghe kinh Nhất thừa này là các vị Bồ tát như Phổ hiền, v.v… và các vị Thần vương trong cảnh giới Phật; khác với thính chúng của các kinh Tam thừa, hoặc là các vị Thanh văn, hoặc là 2 chúng Đại thừa và Tiểu thừa. 5. Khác nhau về chỗ nương (Sở y dị): Giáo nghĩa Nhất thừa nương vào Hải ấn tam muội của Phật mà được nói ra; còn giáo nghĩa Tam thừa thì y cứ vào Hậu đắc trí của Phật. 6. Khác nhau về tuyên thuyết (Thuyết dị): Khi tuyên nói một nghĩa, một phẩm, một hội, v.v… của giáo nghĩa Nhất thừa ở một phương thì tất cả thế giới trong 10 phương cũng đều nói như vậy, đầy đủ chủ, bạn mà thành một bộ; còn giáo nghĩa Tam thừa thì tùy theo mỗi phương, mỗi tướng mà nói ch không bao gồm chủ và bạn. 7. Khác nhau về giai vị (Vị dị): Trong giáo nghĩa Nhất thừa, từ quả vị Phật đến các giai vị Thập tín, v.v… đều bằng nhau, trong một vị bao nhiếp tất cả vị; còn giáo nghĩa Tam thừa thì có phân biệt các thứ bậc trên dưới rõ ràng, không lẫn lộn được. 8. Khác nhau về tu hành (Hành dị): Trong giáo nghĩa Nhất thừa, Bồ tát tu một vị là gồm đủ cả 6 giai vị (Thập tín, Thập trụ, Thập hành, Thập hồi hướng, Thập địa và Phật địa) trong mỗi một giai vị, cùng lúc gồm tu tất cả hành tướng sai biệt Định, Tán. Nhưng trong giáo nghĩa Tam thừa thì từ giai vị Bồ tát Thập địa trở lên vẫn còn có sự sai khác, còn giai vị Bồ tát từ Thập địa trở xuống thì không thể cùng một lúc gồm tu đầy đủ được. 9. Khác nhau về pháp môn (Pháp môn dị): Tuy có vô lượng pháp môn khác nhau, nhưng kinh Nhất thừa giáo chỉ nêu sơ lược 10 môn: Thập Phật, Thập thông, Thập minh, Thập giải thoát, Thập vô úy, Thập nhãn, Thập thế, Thập đế, Thập biện và Thập bất cộng pháp, để phân biệt với 10 môn: Tam Phật, Lục thông, Tam minh, Bát giải thoát, Tứ vô úy, Ngũ nhãn, Tam thế, Tứ đế và Thập bát bất cộng pháp. Chữ Thập (10) ở đây được dùng để hiển bày ý nghĩa vô tận. 10. Khác nhau về sự (Sự dị): Pháp tính hằng như của giáo nghĩa Nhất thừa, tùy theo những sự vật, hiện tượng như nhà cửa vườn rừng, núi non, đất liền, v.v… đều là pháp môn; hoặc hạnh, hoặc vị, hoặc giáo nghĩa, trong mỗi một hạt bụi đều đầy đủ tất cả sự vật sai biệt của pháp giới; không giống như giáo nghĩa Tam thừa chỉ nói Tức không , Tức chân như ….