Hoa Nghiêm Kinh Cảm Ứng Tụng

Một bộ kinh Hoa Nghiêm, là vua trong các kinh, chỗ quy tông cuối cùng, hướng dẫn sanh Tây Phương. Không cơ nào chẳng độ, không pháp nào chẳng nhiếp. Dẫu có muốn tán dương, hết kiếp vẫn chẳng trọn. Nếu chẳng có túc căn, tên kinh chẳng được nghe, huống là được biên chép, thọ trì siêng ròng ư? Nghĩa lý của kinh này, chẳng thể nghĩ bàn được. Quả báo cùng công đức, cũng lại giống như thế. Ấn loát vừa xong xuôi, Hồi Lộc[1] đã đến cửa, vượt lệ giao trong đêm, người vừa đi, tiệm cháy. Chép rồi, đóng bìa xong, chợt gặp phải đại kiếp, cả nhà phải trốn xa, mọi vật đều bị cướp, chỉ riêng bộ kinh này, trọn chẳng bị thương tổn. Trở về vừa trông thấy, khôn ngăn nỗi mừng vui. Kiếp vốn thuộc cộng nghiệp, lòng Thành thuộc biệt nghiệp. Do lòng Thành cảm vời, nên Ứng cũng đặc biệt. Nghĩa lớn lao trong kinh, đã nêu trong lời tựa, nay soạn bài tụng này, tỏ lòng thành, linh ứng. Nguyện những người thấy nghe, ai nấy chăm tu trì, để mong hết tuổi thọ, sẽ dự hội Liên Trì.

Ấn Quang pháp sư lại vì cư sĩ Tung Kiều soạn thêm bài Tả Kinh Linh Cảm Tụng (ca tụng sự linh cảm do chép kinh), gởi thư dặn dò phải đem những sự thực về mấy lần nguy hiểm được bình an không tai nạn để viết mấy câu giải thích sau bài kệ, ngõ hầu người đọc đều cùng sanh tín tâm. Theo cư sĩ [Tung Kiều], cư sĩ chép kinh [Hoa Nghiêm] xong, giao cho xưởng in Văn Tân in ra. In lần đầu một ngàn trang, in xong vào bảy giờ tối ngày nọ. Nhà in có lệ hễ sau sáu giờ sẽ không giao hàng hóa ra ngoài. Lần này chợt phá lệ, giao đến nhà cư sĩ. Vừa mới chở đến cửa thì xưởng Văn Tân bị chập điện cháy rụi. Ấy là do [thiện căn] đặc biệt xui khiến như vậy, chứ nếu không thì sao lại bảo giao ra ngoài để rồi có sự xảo hợp như thế?

Ngày Mười Ba tháng Ba năm Giáp Tuất (1934), trời đã hoàng hôn, hàng xóm ở nơi cư ngụ của cư sĩ thiếu cẩn thận [gây cháy nhà], chỉ cách một bức tường vây, tình thế nguy ngập sắp giáng xuống [nhà cư sĩ]. Cư sĩ chép kinh, tâm trí chẳng để ý chuyện bên ngoài, rốt cuộc tai không nghe thấy gì, đến khi người nhà kinh hoàng lôi cư sĩ tránh đi thì vẫn còn hai hàng viết chưa xong. Do từ khi chép kinh đến nay, đối với mỗi một trang chưa hề bỏ dở giữa chừng; [cư sĩ] chẳng muốn dễ dãi phá lệ ấy, nên vẫn ngồi yên chép cho xong. Đến khi chép xong, thế lửa đã suy, rốt cuộc bình yên không sao cả. Chuyện này lại dường như ngầm được thần che chở vậy.

Mùa Xuân năm Bính Tý (1936) chép kinh viên mãn, giao cho Tích Cổ Trai tại Thang Gia Cảng đóng thành sách. Đóng xong, giao trả về. Ngày hôm sau, tiệm bán giấy Cao Vạn Phong ở ngay trước cửa bị hỏa hoạn. Đã thoát khỏi tai ương, lại còn không bị một giọt nước nào làm ố trang kinh. Giống như khi đánh nhau, người đời hay nói: “Đạn bắn trúng người quả thật có mắt”. Nếu không có thần linh che chở, làm sao được như thế?

Mùa Thu năm Đinh Sửu (1937), Ngô Môn thất thủ, bị vây hãm, kiếp nạn lớn lao xảy ra, cả nhà cư sĩ phải tỵ nạn nơi xa. Tất cả đồ đạc đều bị cướp phá sạch bách, chỉ riêng kinh còn nguyên, chẳng bị tổn hoại mảy may. Cứ tưởng nhà cửa sẽ bị phá hủy tan hoang, may nhờ vào kinh này mà được thoát nạn. Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn, nên rốt cuộc có chứng cớ rõ ràng như vậy. Người đời phần nhiều chẳng tin, ngược ngạo sanh lòng hủy báng, quả thật là những kẻ được đức Như Lai gọi là “phường đáng thương xót”. Vì thế, lão nhân nói: “Nguyện những ai thấy nghe, ai nấy chăm tu trì, để mong hết tuổi thọ, sẽ dự hội Liên Trì”. Quả thật là lời khẩn thiết mổ tim vẩy máu, cầu cho khắp mọi người trong cõi đời đều cùng gắng sức.

Một ngày mùa Thu năm Mậu Dần (1938), vâng theo mạng lệnh của Ấn lão pháp sư, Đức Sâm viết thay.

***

[1] Hồi Lộc theo truyền thuyết là tên một vị thần lửa, vốn là tên một viên quan trông nom giữ lửa cho Hoàng Đế vào thời cổ. Do vậy, sau này thường dùng chữ Hồi Lộc để chỉ hỏa tai.