hoa nghiêm kim sư tử chương

Phật Quang Đại Từ Điển

(華嚴金師子章) Cũng gọi Kim sư tử chương, Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kim sư tử chương. Tác phẩm, 1 quyển, do ngài Pháp tạng đời Đường soạn, được thu vào Đại chính tạng tạp 45. Sách này dùng thí dụ Kim sư tử (sư tử bằng vàng) để giải thích về diệu lí của pháp giới duyên khởi trong kinh Hoa nghiêm. Nhờ thí dụ này mà ý nghĩa trong Thiên đế võng, Thập trùng huyền môn, Hải ấn tam muội, Lục tướng hòa hợp, Phổ nhãn cảnh giới, v.v…… được rõ ràng, dễ hiểu. Cứ theo Tống cao tăng truyện quyển 5 chép, thì ngài Pháp tạng đã từng tham dự phiên dịch kinh Tân hoa nghiêm. Vào năm Thánh lịch thứ 2 (699), trọn bộ kinh được dịch xong, ngài vâng chiếu đến chùa Phật thụ kí ở Lạc dương tuyên giảng kinh Hoa nghiêm cho Vũ hậu Tắc thiên nghe. Khi ngài Pháp tạng giảng đến nghĩa của Thiên đế võng, Thập trùng huyền môn, Hải ấn tam muội, Lục tướng hòa hợp, v.v…… thì Vũ hậu mờ mịt không hiểu được ý chỉ, ngài liền chỉ vào con sư tử bằng vàng ở trước điện làm thí dụ, để giải thích sự cấu tạo của pháp giới. Nhờ đó mà Vũ hậu hiểu được diệu lí của Pháp giới duyên khởi trong kinh Hoa nghiêm. Vì thế tác phẩm được đặt tên là Kim Sư Tử Chương. Nội dung sách này được chia làm 10 môn: 1. Minh duyên khởi: Vàng vốn không có tự tính, chỉ do bàn tay khéo léo của người thợ đúc chạm mà thành con sư tử, nghĩa là hình tướng sư tử tùy duyên mà hiện. 2. Biện sắc không: Thể tính của sư tử tuy là không nhưng cũng không trở ngại gì cho việc phô bày hình tướng sư tử. 3. Ước tam tính: Đem Sư tử tình hữu (về mặt tình thì có sư tử nhưng về mặt lí thì không), Sư tử tự hữu(sư tử có giả)và Kim tính bất biến (chất vàng không thay đổi) phối hợp với 3 tính Biến kế sở chấp, Y tha khởi và Viên thành thực của Duy thức thì: – Sư tử tình hữu: Sự tồn tại của sư tử là do tư tưởng hư cấu chủ quan (Biến kế sở chấp). – Sư tử tự hữu: Sự tồn tại của sư tử là nhờ duyên bên ngoài mà hiện ra một cách giả có(Y tha khởi). – Kim tính bất biến: Người thợ khéo léo đúc vàng thành hình dáng sư tử, nhưng tính chất của vàng thì không thay đổi(Viên thành thực). 4. Hiển vô tướng: Về mặt thể tính mà nói thì tất cả đều là vàng, ngoài vàng ra không có sư tử cho đến tướng trạng của sư tử. 5. Thuyết vô sinh: Sư tử tuy có sinh diệt, nhưng bản thể của vàng thì không thêm, bớt. 6. Luận ngũ giáo: Về mặt duyên khởi của sư tử, tất cả đều bàn rõ yếu chỉ của Hoa nghĩa Ngũ giáo(Ngu pháp Thanh văn giáo, Đại thừa Thủy giáo, Đại thừa Chung giáo, Đại thừa Đốn giáo, Nhất thừa Viên giáo).7. Lặc thập huyền: Lặc, nghĩa là thâu tóm tất cả. Tông Hoa nghiêm mượn bản chất, tướng trạng của sư tử làm thí dụ, để trình bày từng môn trong thập huyền môn của Pháp giới duyên khởi. 8. Quát lục tướng: Dùng 6 tướng tổng, biệt, đồng, dị, thành, hoại của sư tử để bàn rõ về lí Lục tướng viên dung . 9. Thành bồ đề: Nhờ vào các pháp môn nói ở trên, khi thấy sư tử liền thấu suốt được lí tất cả pháp hữu vi xưa nay vốn vắng lặng, đồng thời xa lìa thủ xả, vào biển Nhất thiết trí, rồi tiến lên được Nhất thiết chủng trí mà ngộ đạo. 10. Nhập Niết bàn: Nếu thấy rõ được tướng sư tử và vàng đều không còn, thì chẳng sinh phiền não, vĩnh viễn xa lìa gốc khổ, chứng nhập Niết bàn. Hệ thống tông Hoa nghiêm tuy phức tạp, sâu xa, khó hiểu, nhưng Kim sư tử chương đã tóm tắt được những điểm cốt yếu một cách rõ ràng, cho nên đã trở thành bộ sách nhập môn của học thuyết Hoa nghiêm. Về các bản chú sớ của sách này thì có: Hoa nghiêm kinh Kim sư tử chương chú, 1 quyển, của Thừa thiên; Vân gian loại giải, 1 quyển của Tịnh nguyên; Quang hiển sao, 2 quyển, của Cao biện. [X. Phật tổ thống kỉ Q.39; Phật tổ lịch đại thông tải Q.15; Hoa nghiêm tông kinh luận chương sớ mục lục; Chư tông chương sớ lục Q.1]