hoá giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(化教) Nam sơn Luật tông chia toàn bộ giáo pháp của đức Phật làm Hóa giáo và Chế giáo. Hóa giáo thích ứng với trình độ và năng lực của chúng sinh, lấy định và tuệ làm căn bản, tức là các kinh Đại thừa, Tiểu thừa. Còn Chế giáo là ngăn ngừa những việc làm sai trái, tức là tạng Giới luật. Hóa giáo lấy lí làm nền tảng, trong tâm theo lí đó mà tu hành, thích ứng cho cả hàng xuất gia và tại gia, Tiểu thừa và Đại thừa. Còn Chế giáo thì lấy giới luật làm gốc, ngăn cấm thân khẩu tạo tác các việc xấu ác. Nếu hàng tại gia vi phạm sẽ phải chịu nghiệp đạo quả báo; nếu hàng xuất gia trái phạm thì ngoài việc chịu nghiệp đạo quả báo ra, còn phải tội vi phạm giới luật Phật chế. Ngoài ra, ngài Đạo tuyên chia Hóa giáo làm 3: Tính không giáo (Tiểu thừa), Tướng không giáo (Bát nhã Đại thừa) và Duy thức Viên giáo (Duy thức Đại thừa), đồng thời lập 3 pháp quán: Tính không quán, Tướng không quán và Duy thức quán. Rồi lại căn cứ vào thể của Chế giáo mà lập ra 3 tông: Thực pháp tong (Hữu bộ), Giả danh tông (luận Thành thực) và Viên giáo tong (Duy thức Viên giáo). Vì thế nên có danh xưng Tam giáo tam tông, Tam quán tam tông. Đối với luật, ngài Đạo tuyên lập Chế giáo và Thính giáo. Phàm những việc mà đức Phật cấm, gọi là Chế giáo; còn vì nhân duyên đặc biệt được đức Phật cho phép, thì gọi là Thính giáo. [X. Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao Q.thượng phần 1; Tứ phần luật hành sự sao tư trì kí Q.thượng phần 1, 2].