Hộ Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

護法; S: dharmapāla; P: dhammapāla;
1. Người bảo vệ chính pháp. Trong Kim cương thừa (s: vajrayāna), người ta tin rằng có một số thiên nhân chuyên bảo vệ chính pháp. Hành giả hành trì Nghi quỹ (s: sādha-na), tụng đọc Man-tra thì được các vị đó bảo hộ. Bên cạnh các vị Hộ Pháp chính thống như Ma-ha Ca-la (s: mahākāla, nghĩa là Ðại Hắc, 大黑) – được xem là một dạng xuất hiện của Quán Thế Âm – người ta còn kể thêm các vị Hộ Thế (護世; s: lokapāla), là các vị thần thệ nguyện theo Phật.
Ðối với hành giả của Kim cương thừa thì các vị Hộ Pháp chuyên trách bảo vệ họ trước những hiểm nguy và ảnh hưởng xấu liên quan đến chuyện tu học. Tuy nhiên các hành giả đó phải được chân truyền sự hỗ trợ từ vị thần bảo hộ, Hộ Thần (t: yidam) của mình. Vị Ðại Hắc (s: mahākāla), Hộ Pháp của tông Ca-nhĩ-cư (t: kagyupa) và Ðạt-lại Lạt-ma thường được trình bày như một vị thần cao lớn, da đen. Vị này có bốn trách nhiệm lớn đối với trở ngại khó khăn của người tu hành: điều phục, giúp đỡ, thu hút, huỷ diệt. Các vị Hộ Thế trong Phật giáo Tây Tạng được chinh phục – theo truyền thuyết – là nhờ công của Ðại sư Liên Hoa Sinh. Ðó là các vị thần của đạo Bôn (t: bon) đã được điều phục thành các vị phục vụ Phật pháp. Các vị đó thường là hiện thân của các lực lượng thiên nhiên. Người ta còn nhắc đến các vị Hộ Thế Tứ thiên vương. Các vị này xuất hiện từ lâu trong tranh tượng Ấn Ðộ và cũng được tôn thành Hộ Pháp.

H 27: Hộ Pháp.
2. Luận sư của Duy thức tông (s: vijñāna-vāda), sống trong thế kỉ thứ 6-7 sau Công nguyên, môn đệ của Trần-na (s: dignāga) và về sau trở thành viện trưởng của viện Na-lan-đà (s: nālandā). Sau đó Sư đến Giác Thành (bodh-gayā) và trở thành viện trưởng viện Ðại Bồ-đề (s: mahābodhi). Sư mất năm 32 tuổi. Hầu như mọi tác phẩm của Sư đều thất lạc cả.
Sư viết luận giải về Bách luận (s: śataśāstra) của Thánh Thiên (s: āryadeva), về Duy thức nhị thập tụng (s: viṃśatikāvijñap-timātratākārikā) của Thế Thân (s: va-subandhu). Tư tưởng luận giải của Sư còn được tìm thấy trong tác phẩm Thành duy thức luận của Huyền Trang. Hộ Pháp và các môn đệ nhấn mạnh tính “duy tâm” (s: citta-mātra) tuyệt đối của Duy thức học, cho rằng thế giới “không gì khác hơn là sự tưởng tượng.”
3. Hộ Pháp, Cao tăng Tích Lan (1865-1933), sáng lập hội Ðại Bồ-đề (mahābodhi society) năm 1891 nhằm phục hưng viện Ðại Bồ-đề tại Giác Thành. Sư là tăng sĩ đầu tiên của thời cận đại tự nhận mình là một người Vô gia cư (s: anāgārika; xem Khất sĩ). Năm 1925, Sư sáng lập hội Ðại Bồ-đề ở Anh, London.