hồ ngữ

Phật Quang Đại Từ Điển

(胡語) Tiếng nói của người Hồ ở Tây vực, hoặc chỉ cho tiếng Phạm. Khi bàn về chỗ đúng, sai trong các kinh luận phiên dịch, thì ngài Đạo an đời Đông Tấn gọi nguyên văn tiếng Phạm là Hồ ngôn, Hồ kinh. Còn Xuất tam tạng kí tập thì gọi nguyên văn của các kinh luận Hán dịch là Hồ bản. Ngài Ngạn tông đời Đường viết luận Biện chính chủ trương tiếng Phạm, tiếng Hồ cần được phân biệt rõ ràng. Vì xưa nay cái mà Trung quốc gọi là Hồ ngữ, về nghĩa của nó cũng tùy theo thời đại mà có khác. Chẳng hạn như: 1. Thời Tần Hán: Gọi Hung nô là Hồ, vì thế cho tiếng Hung nô là Hồ ngữ. 2. Thời Đông Hán về sau: Gọi chung vùng đất bên ngoài biên thùy phía tây Trung quốc là Hồ, bao gồm: Cao xương, Yên kì, Cưu tư, Vu điền, Nguyệt chi, Đại hạ, Kế tân, Ấn độ, v.v… cho nên tiếng nói của các xứ này được gọi chung là Hồ ngữ. 3. Từ Nam Bắc triều đến thời Tùy Đường: Chỉ riêng dân cư vùng Túc đặc (Sogdiana) là Hồ và gọi tiếng Túc đặc là Hồ ngữ. Phiên dịch danh nghĩa tập quyển 1 (Đại 54, 1056 thượng), nói: Âm Hồ, âm Phạm khác nhau. Từ đời Hán đến đời Tùy đều gọi các nước Tây vực là nước Hồ. Đời Đường có pháp sư Ngạn tông phân biệt Hồ, Phạm rõ ràng như sau: Từ ngọn Thông lĩnh về phía Tây đều thuộc Phạm chủng, còn phía trái Thiết môn đều là quê hương giống Hồ .Theo Tống cao tăng truyện quyển 3, thì các vùng đất ở phía bắc và phía đông núi Tuyết gọi chung là Hồ. Trong khoảng thời gian từ đời Đông Hán đến đời Tùy, vì Hồ và Phạm không được phân biệt rõ ràng, nên Phạm ngữ được xem là một trong các thứ Hồ ngữ. [X. Đại đường tây vực kí Q.1].