hộ ma

Phật Quang Đại Từ Điển

(護摩) Phạm: Homa. Cũng gọi Hô ma. Dịch ý: Hỏa tế tự pháp (pháp cúng tế lửa), Hỏa cúng dường pháp, Hỏa cúng, Hỏa pháp, Hỏa thực. Pháp cúng tế bằng cách đốt các vật cúng để cúng dường là việc làm quan trọng trong các pháp tu của Mật giáo, hàm ý ví dụ dùng lửa trí tuệ thiêu đốt tâm mê muội. Pháp này nguyên là pháp cúng dường thần lửa A kì ni (Phạm: Agni) để trừ ma cầu phúc ở Ấn độ đời xưa. Trong nghi thức tông giáo ở thời đại Ấn Y (Indo-Iranian Period) của Ấn độ cổ đại đã có pháp này; trong các văn hiến ở thời kì đầu của Lê câu phệ đà, Dạ nhu phệ đà, Bách đạo phạm thư (Phạm: Zatapatha-bràhmaịa), v.v… cũng có nói đến việc thiết lập 3 loại hỏa đàn để tu pháp. Ngoài ra, trong kinh Gia đình (Phạm: Gfhya sùtra) cũng nói rõ về các loại pháp Hộ ma rất phức tạp. Trong các vị thần của thời đại Phệ đà, thần A kì ni là quan trọng nhất, nghi thức cúng tế vị thần này của những người Bà la môn thờ lửa ở thời bấy giờ đã rất thịnh hành, họ bỏ vật cúng vào trong lò lửa của đàn tế, chờ lửa bốc lên thì cho rằng các vật cúng đã đến được miệng của các thần, các thần nhờ đó mà được sức mạnh để hàng phục các ma và ban cho loài người phúc lành, bởi thế họ cho rằng lửa là miệng của các thần, cũng là miệng của trời (Phạm: Devànàô mukha). Pháp cúng tế này về sau được Mật giáo thu dụng và dần dần trở thành pháp tu quan trọng. Nhưng ý nghĩa pháp Hộ ma trong Mật giáo rất khác với nghi thức cúng tế của Bà la môn giáo. Cứ theo Đại nhật kinh sớ quyển 19, quyển 20, thì trước khi thành đạo, đức Phật chưa biết rõ tự tính của lửa, nên Ngài đã y cứ vào kinh điển Phệ đà mà nói 44 pháp Hộ ma. Nhưng sau khi thành đạo, đức Phật đã biết rõ tự tính của lửa, liền tuyên thuyết 12 pháp Hộ ma, biểu trưng cho ánh sáng Nhất thiết trí của Như lai. Đây mới là Hộ ma chân thực. Hộ ma của Mật giáo được chia làm 2 loại: Ngoại Hộ ma: Tu ở trong đàn Hộ ma, phải có đủ 3 thứ: Tượng Bản tôn, lư hương, hành giả, tượng trưng cho Tam mật (thân, khẩu, ý) của hành giả. Trong đó, tượng Bản tôn tượng trưng cho Ý mật, không hạn cuộc ở bất cứ đức Như lai nào hay vị Minh vương nào, chỉ tùy theo pháp tu mà quyết định; lư hương tượng trưng Khẩu mật, còn tự thân của hành giả thì tượng trưng cho Thân mật. Về phương thức thực hành thì trước hết là chọn đất, làm đàn, đặt lư hương, tụng chân ngôn, rồi bỏ các vật cúng như nhũ mộc, ngũ cốc, v.v… vào trong lư hương để thanh tịnh hóa Tam mật của hành giả hầu thành tựu các pháp Tức tai, Tăng ích, Hàng phục, v.v… Vì thực hành pháp này đều là những việc ở ngoài tâm, cho nên gọi là Ngoại hộ ma, Sự hộ ma. 2. Nội Hộ ma: không cần lập đàn, tượng Bản tôn và lư hương, mà chỉ lấy tự thân hành giả làm đàn tràng, trong tâm quán tưởng dùng lửa trí tuệ của Như lai đốt hết các nghiệp phiền não, vì pháp Hộ ma này thuộc về pháp quán của nội tâm, cho nên gọi là Nội hộ ma, lại vì pháp quán này thuộc về quán Lí pháp nên cũng gọi là Lí hộ ma. Pháp Nội hộ ma này tuy là pháp tu đặc biệt của Mật giáo, nhưng nếu xét về nguồn gốc, thì có lẽ nó đã từ thuyết Nội bộ hỏa tế (Phạm: Antara-agnizad) mà ra. Nội Hộ ma thông thường có 5 pháp: 1. Pháp tức tai: Quán tưởng bản tính đức Đại nhật Như lai. 2. Pháp tăng ích: Quán tưởng bản tính đức Bất không thành tựu Như lai. 3. Pháp kính ái: Quán tưởng Bản tính đức Vô lượng thọ Như lai. 4. Pháp câu triệu: Quán tưởng bản tính đức Bảo sinh Như lai. 5. Pháp điều phục: Quán tưởng bản tính đức A súc Như lai. Nếu phân biệt theo tính tương đối thế gian và xuất thế gian, thì pháp Hộ ma của xuất thế gian là Nội hộ ma, còn pháp Hộ ma của thế gian và ngoại đạo là Ngoại hộ ma. Tuy nhiên, trong pháp Hộ ma xuất thế gian cũng có nội ngoại khác nhau, tức lấy Quán tâm làm nội và lấy Sự tướng làm ngoại. Còn pháp Ngoại hộ ma, vì chưa tương ứng với nội quán, không thành tựu Tất địa , cho nên khi thực hành Ngoại hộ ma thì phải đồng thời tu quán Tam bình đẳng của Nội hộ ma, để mong nội ngoại tương ứng, lí sự dung hợp, mau thành tựu Tất địa; đó là nghĩa chân thực Ngoại hộ ma tức Nội hộ ma . Đây không những chỉ là chỗ khác biệt giữa Ngoại hộ ma của Mật giáo và Ngoại hộ ma của ngoại đạo, mà còn là một yếu quyết của hành giả Mật giáo khi tu pháp Hộ ma. Nếu chỉ nói riêng về Ngoại hộ ma, thì ngoài tượng Bản tôn, hành giả đã trình bày ở trên, khi tu pháp, còn phải lập một đàn Hộ ma ở trước tượng Bản tôn, ở chính giữa đàn đặt một lư hương, 4 góc đàn cắm 4 cây cọc, trên các đầu cọc đều buộc dây kim cương. Trước bàn đặt mâm lễ, mỗi cạnh mâm lễ kê một cái bàn, trên mỗi bàn để củi Hộ ma, hương bột, lư hương có cán cầm, vật gia trì, v.v…… Tu pháp này thông thường có 3 loại pháp, 4 loại pháp, 5 loại pháp, 6 loại pháp khác nhau: 1. Ba loại pháp, cũng gọi 3 loại Hộ ma. Chỉ cho 3 pháp: Tức tai, Tăng ích và Hàng phục. Ba pháp này tương ứng với nội chứng của 3 bộ Thai tạng giới. 2. Bốn loại pháp, cũng gọi 4 loại Hộ ma. Chỉ cho 4 pháp: Tức tai, Tăng ích, Kính ái và Hàng phục. Bốn pháp tu này được thực hành rộng rãi nhất. 3. Năm loại pháp, cũng gọi 5 loại Hộ ma. Là 4 loại pháp trên cộng thêm pháp Câu triệu. Năm pháp này tương ứng với nội chứng của 5 trí thuộc 5 bộ Kim cương giới. Nói về công đức của 5 pháp này thì mỗi pháp đều có hiệu quả của 4 pháp kia, gọi là Ngũ pháp hỗ cụ. Chẳng hạn như khi tu pháp Tức tai thì dứt được phiền não tham, sân hoặc tiêu trừ tai nạn, đó là ý nghĩa Tức tai. Khi đã dứt trừ phiền não tham, sân thì tăng trưởng được công đức giới, định, tuệ và các thứ phúc đức khác, đó là ý nghĩa Tăng ích. Khi công đức đã được tăng trưởng, thì dần dần phá vỡ vô minh, diệt trừ các tai ách, đó là ý nghĩa Điều (hàng) phục. Nhờ các công đức ấy mà được chư Phật, Bồ tát hộ trì, đó là ý nghĩa Kính ái. Nhờ những công đức nói trên mà các điều thiện sinh khởi, muôn pháp hiển hiện, đó là ý nghĩa Câu triệu. Bốn pháp kia cũng như thế. 4. Sáu loại pháp, cũng gọi 6 loại Hộ ma. Tức là 5 loại pháp nói trên thêm pháp Diên thọ (pháp này sinh ra từ pháp Tăng ích). Ngoài ra, củi đốt trong pháp Hộ ma, gọi là Hộ ma mộc, tro tàn gọi là Hỏa thực hôi, dao chặt củi gọi là Hộ ma đao. Tờ giấy hoặc thẻ gỗ viết chép mang nội dung cầu nguyện và chỉ thú của pháp Hộ ma, có thể dùng làm bùa hộ mạng, gọi là Hộ ma trát; phòng xá trong đó pháp Hộ ma được cử hành, gọi là Hộ ma đường. [X. phẩm Thế xuất thế hộ ma trong kinh Đại nhật Q.6; kinh Đại thừa lí thú lục ba la mật đa Q.3; kinh Tô tất địa yết la Q.hạ; Đại nhật kinh sớ Q.8, Q.15; Bách luận sớ Q.thượng phần giữa; Tuệ lâm ân nghĩa Q.41; Hi lâm ân nghĩa Q.1].