hổ khâu sơn

Phật Quang Đại Từ Điển

(虎丘山) Cũng gọi Vũ khâu sơn, Hải dũng phong. Núi ở huyện Ngô, tỉnh Giang tô, Trung quốc. Vào cuối thời Xuân thu, vua Ngô phù sai chôn cất thân phụ là Hạp lư ở đây, tương truyền, sau khi chôn cất được 3 ngày thì có con hổ trắng đến ngồi ở trên mộ, vì thế gọi là Hổ khâu. Một thuyết khác thì cho rằng hình dáng núi này giống như con hổ ngồi, cho nên đặt tên Hổ khâu. Năm Thái hòa thứ 3 (368) đời Đông Tấn, quan Tư đồ Vương tuân và em là quan Tư không Vương dân xây cất 2 ngôi biệt thự ở đây, về sau biến 2 biệt thự này làm 2 ngôi chùa gọi là chùa Hổ khâu sơn Đông và Tây. Đến đời Đường, vì tránh tên húy của vua Thái tổ là Lí hổ nên đổi tên chùa là Vũ khâu báo ân tự. Thời kì pháp nạn Hội xương (841- 846) chùa bị phá hủy, sau được dời lên làm trên đỉnh núi và thu lại còn một chùa. Khoảng năm Chí đạo (995-997) đời Bắc Tống, chùa được xây dựng lại, quan Tri châu tên là Ngụy tường tâu xin đổi tên chùa là Vân nham Thiền tự. Đầu đời Tấn, các ngài Trúc đạo nhất, Đàm đế, pháp sư Ngập, v.v… lần lượt đến đây hoằng dương giáo pháp. Ngài Trúc đạo sinh đề xướng thuyết Nhất xiển đề thành Phật , bị giới Phật giáo đương thời phản đối kịch liệt, cũng lánh vào núi này với hàng trăm người đi theo. Tương truyền ở đây ngài Đạo sinh dựng đá nói pháp, đá cũng gật đầu, từ đó, đời truyền tụng giai thoại: Sinh công thuyết pháp, ngoan thạch điểm đầu (Ông Sinh nói pháp, đá ngu gật đầu). Ngài Tăng mân ở đời Lương lúc còn nhỏ cũng tu học tại đây; ngài Tăng thuyên, Tổ trung hưng tông Tam luận, lúc cuối đời cũng về núi này tĩnh tu. Đời Tùy, Đường có rất nhiều vị cao tăng về trụ ở núi này như các ngài: Trí tụ, Tuệ nghiêm, Tăng viện, Tề hàn, v.v…… Đến đời Tống, Thiền tông phát triển mạnh, chùa trở thành đạo tràng hoằng pháp của các vị Thiền tăng. Đến khi thiền sư Thiệu long (1077?-1136) về trụ trì, đại chúng theo học rất đông, từ đó hình thành phái Hổ khâu. Khoảng năm Thiệu hưng (1131-1162) đời Nam Tống, qui mô chùa Vân nham đã to lớn, nguy nga tráng lệ, được xếp vào hàng thứ 9 trong 10 ngôi chùa lớn nhất tại Giang tô. Nhìn từ xa, núi Hổ khâu chỉ là một cái gò đất nhỏ nổi lên giữa vùng đồng bằng, nhưng khi đến gần mới cảm thấy cái khí thế hùng vĩ, như đang đi giữa chốn núi cao rừng thẳm. Từ đời Tùy đến đời Thanh, chùa Hổ khâu đã qua 7 phen hưng phế, may mắn còn lại ngôi tháp chùa Vân nham được xây dựng vào đời Ngũ đại và điện Đoạn lương kiến trúc vào đời Nguyên, ngoài ra đều do đời sau làm lại. Những thắng cảnh trong núi Hổ khâu gồm có: Thiên nhân thạch, Kiếm trì, Hám hám tuyền, Thí kiếm thạch, Tôn vũ tử đình, Bạch liên trì, Nhị tiên đình, Đệ tam tuyền, Lãnh hương các, Trí sảng các, Tiểu ngô hiên, Ủng thúy sơn trang, v.v… [X. Lương cao tăng truyện Q.5; Tống cao tăng truyện Q.4, Q.15; Đại minh nhất thống chí Q.8; Độc sử phương dư kỉ yếu Q.24; Tô châu phủ chí Q.7, Q.42]. (xt. Hổ Khâu Phái, Vân Nham Tự).