hô đồ khắc đồ

Phật Quang Đại Từ Điển

(呼圖克圖) Mông cổ: Khutuktu, khutukutu. Cũng gọi Hồ đồ khắc đồ, Hồ thổ khắc đồ, Khố đồ khắc đồ. Chức vị do chính phủ phong cho vị Cao tăng thuộc Lạt ma giáo Tây tạng sau khi chuyển sinh theo chế độ Hoạt Phật. Hô đồ khắc đồ là tiếng Mông cổ, có nghĩa là biết rõ kiếp trước kiếp sau, không bị luân hồi, sống chết tự do, sau khi chết có thể tái sinh . Tiếng Tây tạng có nghĩa là Sprul-Sku (Châu cô), nghĩa là Hóa thân, Thánh giả. Cứ theo tư liệu lưu trữ ở viện Lí phiên đời Thanh, thì đến năm Càn long 48 (1783) đã có tất cả 148 vị Hô đồ khắc đồ, trong đó, 4 vị: Đạt lai, Ban thiền, Triết bá tôn đan ba và Chương gia được gọi là Tứ thánh của Phật giáo Mông cổ, Tây tạng và được phân công: Ngài Đạt lai thống lãnh toàn bộ, ngài Ban thiền phụ tá ngài Đạt lai phụ trách vùng Hậu tạng, ngài Triết bá tôn đan ba phụ trách vùng Ngoại mông và ngài Chương gia phụ trách vùng Nội mông. Tại Tây tạng, ngoài 2 vị Đạt lai và Ban thiền, còn có 30 vị khác trong số đó có một vị Phật sống nữ trụ ở chùa Tang đình, thị trấn Tát đinh cát, bên bờ hồ Dương trác, là vị nữ Hô đồ khắc đồ duy nhất trong Lạt ma giáo. (xt. Hoạt Phật).