hiếu

Phật Quang Đại Từ Điển

(孝) Cũng gọi Hiếu thuận, Hiếu dưỡng. Hết lòng thành kính và phụng dưỡng cha mẹ. Trong các kinh điển của Phật giáo, chữ hiếu được nói đến rất nhiều. Như kinh Phạm võng quyển hạ ghi, hiếu thuận là pháp chí đạo, vì thế lấy hiếu làm giới. Phẩm Báo ân trong kinh Đại thừa bản sinh tâm địa quán quyển 2 nói, cha có từ ân, mẹ có bi ân; nếu có người một lòng cung kính cúng dường 100 vị đại Bà là môn tịnh hạnh, 100 vị đại thần tiên đủ 5 thần thông, 100 vị bạn tốt, như thế cho đến trăm nghìn kiếp cũng không bằng một niệm trụ nơi tâm hiếu thuận. Bởi thế cần phải siêng năng tu tập hiếu dưỡng cha mẹ, thì phúc ấy bằng với phúc cúng dường chư Phật, không có sai khác. Luật Ngũ phần quyển 22 nói, nếu có người cõng cha mẹ trên 2 vai trong 100 năm, dâng các thức ăn mặc quí hiếm nhất để cúng dường cũng không thể báo đáp công ơn trong muôn một, vì thế phải trọn đời hết lòng cúng dường cha mẹ, nếu không sẽ mắc trọng tội. Hiếu lại được chia làm 2 loại: Hiếu thế gian và Hiếu xuất thế gian. Cung cấp các thức ăn uống và quần áo cho cha mẹ là hiếu thế gian, đem Phật pháp hướng dẫn cha mẹ là hiếu xuất thế gian. Kinh Tì ni mẫu quyển 2 nói, nếu cha mẹ nghèo khổ thì trước hết phải truyền Tam qui, Ngũ giới, Thập thiện cho cha mẹ, sau mới cung cấp các thứ vật chất. Vì hiếu xuất thế gian mới có năng lực giúp cho cha mẹ lìa khổ não được an vui một cách triệt để. Long thư tăng quảng tịnh độ văn quyển 6 ghi, trong Hiếu hữu văn (120 bài), thiền sư Trường lô Tông trách nói, phụng dưỡng cha mẹ về vật chất là hiếu thế gian, khuyên cha mẹ tu Tịnh độ là hiếu xuất thế gian. Hiếu thế gian chỉ được một đời, là hiếu nhỏ; còn hiếu xuất thế gian thì không có lúc nào cùng tận. Vì nếu cha mẹ nhờ công đức tu tập tịnh độ mà được vãng sinh thì sẽ được hưởng phúc thọ lâu dài nhiều kiếp như số cát sông Hằng, đó là hiếu lớn. Chúng sinh nào hiếu dưỡng kính thuận cha mẹ thì sẽ chiêu cảm được 5 thứ quả báo: ít bệnh, đẹp đẽ, có uy thế lớn, sinh vào dòng dõi cao sang, có nhiều tiền của, gọi là Ngũ thiện căn. Ngoài những điều vừa được trình bày ở trên, còn có nhiều kinh điển khác nói về đạo hiếu như: Kinh Phật thăng Đao lợi thiên vị mẫu thuyết pháp (ngài Pháp hộ dịch vào đời Tây Tấn, gồm 3 quyển), kinh Lục phương lễ, 1 quyển (ngài An thế cao dịch vào đời Hậu Hán) kinh Phụ mẫu ân trọng nan báo, kinh Đề vị ba lợi, kinh Vu lan bồn, v.v……Ở Trung quốc, người ta thường liên kết đạo hiếu với Phật giáo, như trong các loại sách sử, mục lục, truyện kí, v.v…… thường đặt các hạng mục như: Hiếu, Báo ân, v.v……, đồng thời phối hợp ngũ giới của Phật giáo: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu và không nói dối với ngũ thường của Nho giáo: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và cho rằng người nào giữ được ngũ giới, ngũ thường là đại hiếu. Nhưng theo lập trường của Phật giáo thì căn bản của đạo hiếu là thành Phật để cứu độ cha mẹ và báo hiếu tổ tiên mới là hiếu lớn nhất. [X. kinh Thiện sinh trong Trường a hàm Q.11; kinh Ưu bà tắc giới Q.3; kinh Quán vô lượng thọ; kinh Tứ thiên vương; kinh Thiện sinh tử; Bồ tát giới nghĩa sớ Q.thượng; Phạm võng kinh Bồ tát giới bản sớ quyển 3 (ngài Pháp tạng soạn); Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao Q.hạ phần 3; Tứ phần luật hành sự sao tư trì kí Q.hạ phần 3 đoạn 4].