Hiền Thủ Pháp Tạng

Từ điển Đạo Uyển


賢首法藏; 643-712 Ðại sư Trung Quốc, Tổ thứ ba của Hoa nghiêm tông. Sư người nước Khang Cư (sogdian), cha làm quan cho triều đình Trung Quốc. Một hôm người mẹ nằm mộng thấy mình nuốt mặt trời, mặt trăng và sau đó thụ thai Sư. Năm 16 tuổi, Sư đốt một ngón tay cúng dường chư Phật để tỏ lòng thành cầu đạo của mình. Năm 17 tuổi, Sư đi đi đây đó tìm thầy học đạo nhưng không gặp ai có thể truyền diệu pháp và vì vậy Sư vào núi sống ẩn dật, kham khổ tu tập. Một đêm Sư mơ thấy hào quang sáng chói, tự nghĩ “Phải có một vĩ nhân thuyết pháp gần đây”. Sáng hôm sau Sư đến một ngôi chùa gần đó nghe Trí Nghiễm Pháp sư giảng Hoa nghiêm kinh. Nghe xong Sư vui mừng và trở thành môn đệ của ông. Nhờ sự tận tình chỉ dạy của Trí Nghiễm, Sư hội được yếu chỉ Hoa nghiêm tông. Năm Ất Mùi (695), Vũ Hậu thỉnh Sư vào cung thuyết giải Hoa nghiêm kinh. Sư đang thuyết thì hào quang từ miệng thoát ra. Vũ Hậu chứng kiến việc này vui mừng, liền ban hiệu là Hiền Thủ. Sư thuyết giải rất nhiều lần kinh Hoa nghiêm, Nhập Lăng-già, Ðại thừa khởi tín luận, Phạm võng… và viết nhiều luận chú giải với bài nổi tiếng nhất thời đó là Tâm kinh lược sớ. Sư cũng giúp Huyền Trang dịch kinh sách nhưng việc này không kéo dài vì quan niệm khác biệt của hai trường phái. Năm Tiên Thiên thứ nhất, Sư thị tịch. Vì công lớn của Sư trong việc làm hưng thịnh tông Hoa nghiêm nên sau này người ta cũng gọi tông này là Hiền Thủ tông và xem Sư là vị Tổ thứ nhất.