Hiện Thân

Từ Điển Đạo Uyển

現身; hoặc Hiện tướng;
Là Hiện thân của những vị Hộ thần (s: iṣṭadevatā), Bồ Tát (s: bodhisattva), nói chung là tất cả những vị được tôn thờ trong Ðại thừa Phật giáo. Ðặc biệt trong truyền thống Phật giáo tại Tây Tạng, người ta thường thấy hai cách trình bày hiện thân của một vị, đó là dạng phẫn nộ (s: krodha) và tịch tịnh (s: śānta). Ví dụ như Quán Thế Âm (s: avalokiteśvara) dưới dạng tịch tịnh và Ma-ha Ka-la (s: mahākāla) trong trạng thái phẫn nộ. Trong những Nghi quỹ (s: sādha-na), hiện thân của một vị Hộ thần dưới hai dạng nêu trên là biểu tượng của hai loại Chủng tử tương ưng trong tâm của người tu tập: 1. Thanh tịnh và 2. Hung hăng, phá hoại.
Như vị Thiền sư hiện đại người Tây Tạng là Chog-yam Trung-pa nói, “phẫn nộ” ở đây không nên hiểu là một tâm trạng, cảm xúc phụ thuộc vào cái tự ngã và “phá hoại” “hung hăng” ở đây cũng không nên hiểu theo lẽ “bất thiện” thông thường. Những năng lượng tiềm tàng được biểu hiện qua các vị phẫn nộ cũng rất có ích và cần thiết trong quá trình tu chứng như những vị tịch tịnh. Cái được tiêu huỷ, phá hoại ở đây chính là những Ảo ảnh gây chướng ngại trên con đường đạt giải thoát và chủ thể đang sợ hãi, cảm thấy bị công kích chính là cái ngã – đúng hơn là cái huyễn ngã chưa từng có thật – của hành giả. Sự tôn sùng các vị dưới hai dạng tại Tây Tạng – không phân biệt tốt xấu theo lẽ thường – cũng thường gây sự hiểu lầm rằng, Phật tử ở đây “tôn thờ quỷ thần ngoại đạo”
Song song với Phật gia (s: buddhakula), Kim cương thừa (s: vajrayāna) cũng thừa nhận và tôn sùng “100 gia đình của chư vị hộ thần cao quý tịch tịnh và phẫn nộ.” 100 vị này tường được nhắc đến trong Tử thư và là một phần của giáo lí Ma-ha du-già (s: mahāyoga) được Liên Hoa Sinh (s: padma-sambhava) Ðại sư truyền sang Tây Tạng. Các vị Hộ thần này được xếp vào hai Man-đa-la và hai Man-đa-la này được xem như là sự mở rộng của Phật gia – vốn đã bao gồm năm vị Phật.