hiển sắc

Phật Quang Đại Từ Điển

(顯色) Phạm:Varịa-rùpa. Đối lại với Hình sắc. Chỉ cho những sắc pháp hiện rõ ràng mà mắt người thường có thể thấy và phân biệt được. Về số lượng có nhiều thuyết khác nhau. Cứ theo Thuyết nhất thiết hữu bộ thì có 12 loại hiển sắc: 1. Thanh (Phạm: nìla): Mầu xanh. 2. Hoàng (Phạm: pìta): Mầu vàng. 3. Xích (Phạm: lohita): Mầu đỏ. 4. Bạch (Phạm: avadàta): mầu trắng. 5. Vân (Phạm: abhra): Mây. 6. Yên (Phạm: dhùma): Khói. 7. Trần (Phạm: rajas): Bụi. 8. Vụ (Phạm: mahikà): Sương mù. 9. Ảnh (Phạm: chàryà): Bóng, ánh sáng bị che nên không thấy được vật thể hoặc các mầu sắc khác. 10. Quang (Phạm:àtapa): Ánh sáng, chỉ cho ánh sáng mặt trời.11. Minh (Phạm: àloka): Chỉ cho ánh sáng mặt trăng, ngôi sao, viên ngọc báu, tia chớp, v.v… 12. Ám (Phạm: andhakàsa): Chỉ cho bóng tối. Trong đó, 4 loại xanh, vàng, đỏ, trắng là mầu sắc chính, gọi là Tứ hiển sắc. Đặc biệt mầu trắng rất thù thắng; 8 loại còn lại đều do sự sai biệt của 4 mầu sắc chính tạo ra, cho nên chúng đều thuộc về 4 mầu sắc chính này. Theo luận Du già sư địa quyển 1 thì có 13 loại Hiển sắc, gồm 12 loại nói trên và thêm một loại nữa là Không nhất hiển sắc . Luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập quyển 1 lại thêm Quýnh sắc nữa thành 14 loại. Ngoài 12 loại Hiển sắc của Thuyết nhất thiết hữu bộ nói trên, tông Câu xá còn lập thêm 9 loại nữa là: Dài, ngắn, vuông, tròn, cao, thấp, chính, bất chính và không nhất hiển sắc, mà thành tất cả là 21 loại Hiển sắc. Lại ngoài xanh, vàng, đỏ, trắng ra đặc biệt Mật tông còn thêm mầu đen nữa. Thuyết nhất thiết hữu bộ cho rằng 12 loại hiển sắc này đều có cực vi và thể tính riêng biệt. Còn Kinh bộ và tông Duy thức thì chủ trương chỉ có 4 mầu sắc chính là mầu thật, ngoài ra đều là mầu giả. [X. luận Thức thân túc Q.1; luận Đại tì bà sa Q.78, Q.85; luận Câu xá Q.1; Câu xá luận quang kí Q.1].