hiện quán trang nghiêm luận

Phật Quang Đại Từ Điển

(現觀莊嚴論) Phạm: Abhisamayàlaôkàra-zàstra. Gọi đủ: Hiện quán trang nghiêm bát nhã ba la mật ưu ba đề xá luận (Phạm: Abhisamayàlaôkàra-namàprajĩàpàramitopadeza-zàstra). Cũng gọi Bát nhã kinh luận hiện quán trang nghiêm tụng. Tác phẩm, do bồ tát Di lặc (Phạm: Maitreyanàtha) người Ấn độ soạn thuật, là bộ luận Đại thừa tóm tắt cương yếu của 25.000 bài tụng Bát nhã (tương đương với kinh Đại phẩm bát nhã bản Hán dịch). Nội dung chính của luận này nói về quá trình tu hành theo thứ lớp từ phàm phu đến cảnh giới Phật. Gồm có 8 phẩm, 272 bài tụng. 1. Phẩm Nhất thiết tướng trí tính: Nương theo thứ lớp từ sơ phát tâm, thụ giáo, quyết trạch chi, hành y trì, sở duyên, sở kì, sở tác, tư lương, thành biện, v.v… mà chứng nhập quả Phật, để nói rõ về Nhất thiết tướng trí tính của Phật. 2. Phẩm Đạo trí tính: Nói rõ về chỗ sở y của Đạo trí, về sự sai biệt giữa Nhị thừa, Bồ tát và cảnh giới Phật, về đạo của Thanh văn, Duyên giác và về Kiến đạo và Tu đạo của Bồ tát… 3. Phẩm Nhất thiết trí tính: Hiển bày rõ về sự chấp tướng của hàng Thanh văn, Độc giác, sự xa gần của Phật mẫu, về sở đối trị, năng đối trị của hữu sở đắc và vô sở đắc, về Bồ tát gia hạnh, về Kiến đạo sở quán… 4. Phẩm Nhất thiết tướng hiện đẳng giác: Trình bày về sự sinh khởi thiện căn của Thuận giải thoát phần, các hành tướng Thắng gia hạnh, quá trình của Thuận quyết trạch phần tu tập Nhất thiết tướng hiện đẳng giác. 5. Phẩm Đính hiện quán: Nói về tự tính 4 thiện căn (4 gia hạnh), tăng tiến, xác thực, tâm an trụ, phân biệt 2 loại năng chấp sở chấp, sở đối trị, năng đối trị, tam ma địa vô gián, v.v… để hiển bày Đạo thắng tiến thù thắng. 6. Phẩm Thứ đệ hiện quán: Thuyết minh về thứ lớp hiện quán 13 phẩm tính, gồm: Lục ba la mật đa, Lục tùy niệm và Nhất thiết pháp vô tính tự tính giác… 7. Phẩm Nhất sát na hiện quán: Chỉ bày rõ về pháp sở chứng hiện lên trong một sát na. 8. Phẩm Pháp thân: Nói rõ về Pháp thân, Tự tính thân, Thụ dụng thân và Hóa thân. Tóm lại, trong 8 phẩm nói trên, 3 phẩm đầu trình bày về Nhất thiết trí tính; 4 phẩm kế tiếp nương vào Nhất thiết trí tính mà nói rõ việc tu tập gia hạnh; phẩm cuối cùng kết luận nhờ tu gia hạnh mà đạt đến quả Phật. Về nguyên do soạn thuật luận này, cứ theo Bát thiên tụng bát nhã thích luận của ngài Sư tử hiền (Phạm: Haribhadra) thì vì trong kinh Bát nhã ba la mật đa có nhiều chỗ trùng lập, nhiều chỗ ý nghĩa rất sâu xa khó hiểu, nên ngài Vô trước thỉnh cầu bồ tát Di lặc giải thích rõ kinh Bát nhã, do đó mà ngài Di lặc tạo luận này. Bộ luận này đã được pháp sư Pháp tôn phiên dịch và chú giải, ở Ấn độ và Tây tạng xưa nay luận này rất được xem trọng và cũng có khá nhiều tác phẩm đã căn cứ vào luận này để giải thích Nhị vạn ngũ thiên tụng bát nhã (25.000 tụng Bát nhã) và Bát thiên tụng bát nhã (8.000 bài tụng Bát nhã) mà, trong Đan châu nhĩ của Đại tạng kinh Tây tạng, có tới 21 loại được thu nhận. [X. Ấn độ triết học nghiên cứu đệ nhất; Địch nguyên Vân lai văn tập; Đông bắc đế quốc đại học Tây tạng đại tạng kinh tổng mục lục; C. Bendall: Catalogue of the Buddhist Sanscrit Manuscript in the University Library Cambridge; E. Obermiller: History of Buddhism by Bu-ston].