hiện lượng

Phật Quang Đại Từ Điển

(現量) Phạm: Pratyakwa-Pramàịa. Tiếng dùng trong Nhân minh. Lượng nghĩa là đo lường, là tiêu chuẩn để phân biệt đúng và sai của tri thức. Trí óc suy xét, cho cái này đúng, cái kia sai là lượng . Khi ta nhận biết sự vật chung quanh mà chưa phân biệt, suy xét, thì gọi là hiện lượng, một trong 3 lượng. Hiện lượng có 2 loại: Chân hiện lượng và Tự hiện lượng. – Chân hiện lượng: Sự nhận biết đúng về trực giác, chưa bị ảnh hưởng bởi những huyễn tướng hoặc tác dụng phân biệt của khái niệm, như thấy sợi dây thì biết ngay đó là sợi dây. Tự hiện lượng: Sự nhận biết sai về hiện lượng, tức là sự nhận thức đã bị ảnh hưởng bởi các huyễn tướng hoặc tác dụng phân biệt của khái niệm, như khi thấy khói cho là mây, thấy mây tưởng là khói; hoặc trong chỗ tối lờ mờ, thấy sợi dây cho ngay đó là con rắn, v.v… Nói theo nghĩa hẹp, Hiện lượng thường chỉ cho Chân hiện lượng mà thôi. Tông Duy thức cho rằng 5 loại: Ngũ cảnh (chỗ duyên theo của Ngũ thức), Ngũ đồng duyên ý thức, Ngũ câu ý thức, Định trung ý thức và Chư cảnh (các đối tượng mà thức thứ 8 duyên theo) đều là những hiện lượng phát sinh từ tâm thức. Còn đối với Nhân minh thì chỉ có Ngũ thức và Ngũ đồng duyên, Ngũ câu ý thức là hiện lượng. Nhân minh nhập chính lí luận sớ quyển thượng (Đại 44, 93 trung), nói: Hành tướng năng duyên không động, không lay, tự chiếu theo cảnh, không tính toán suy xét, xa lìa tâm phân biệt, phù hợp với cảnh hiện tiền, làm sáng tỏ tự thể nên gọi là Hiện lượng . [X. luận Du già sư địa Q.15; Nhân minh nhập chính lí luận sớ Q.hạ; Nhân minh luận sớ minh đăng sao Q.hạ phần cuối, Q.4 phần đầu; Nhân minh nhập chính lí luận sớ thụy nguyên kí Q.4]. (xt. Tam Lượng).