hiện lượng tương vi quá

Phật Quang Đại Từ Điển

(現量相違過) Hiện lượng tương vi, Phạm: Pratyakwa- Viruddha. Tiếng dùng trong Nhân minh. Lỗi do lập tong (mệnh đề) trái với trí chứng hiện lượng, một trong 9 lỗi thuộc về Tông trong 33 lỗi Nhân minh. Chẳng hạn như lập Tông: Âm thanh chẳng phải là cái bị nghe . Đây là lỗi hiện lượng tương vi. Bởi vì theo sự nhận biết của trí hiện lượng (trực giác), thì âm thanh là cái bị nghe , cho nên, nếu nói Âm thanh chẳng phải là cái bị nghe thì hiển nhiên là mâu thuẫn với hiện lượng. Nhân minh nhập chính lí luận sớ quyển trung (Đại 44, 114 trung), chép: Về thể hiện lượng thì người lập luận và người vấn nạn đều đã biết rõ tự tướng của các pháp, phải căn cứ vào tướng ấy mà thành lập Tông cho phù hợp với trí cảnh. Nếu lập Tông mà trái với chính trí thì làm sao hiểu đúng được. Tai là cái hiện thấy, âm thanh là cái bị nghe, xưa nay vốn được cả 2 bên chấp nhận. Nay nếu lập Tông Âm thanh chẳng phải là cái bị nghe thì tất nhiên đã phạm lỗi hiện lượng tương vi. Hiện lượng tương vi có thể chia làm 2 loại: Toàn phần tương vi quá và Nhất phần tương vi quá. Mỗi loại lại chia làm 4 loại khác nhau. Toàn phần tương vi quá gồm 4 loại: Vi tự hiện phi tha, Vi tha hiện phi tự, Vi cộng hiện và Câu bất vi. Nhất phần tương vi quá cũng có 4 loại: Vi tự nhất phần hiện phi tha, Vi tha nhất phần hiện phi tự, Câu vi nhất phần, Câu bất vi nhất phần. [X. Nhân minh luận sớ minh đăng sao Q.3 phần cuối, Q.4 phần đầu; Nhân minh nhập chính lí luận sớ thụy nguyên kí Q.4]. (xt. Nhân Minh, Tông Cửu Quá).