hiền kiếp kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(賢劫經) Phạm: Bhadrakalpika-sùtra. Cũng gọi Bạt đà kiếp tam muội kinh, Hiền kiếp định ý kinh. Gồm 8 quyển (hoặc 7 quyển, 10 quyển, 13 quyển). Nguyên bản tiếng Phạm đã thất lạc, hiện còn các bản Tạng dịch và Hán dịch. Bản Hán do ngài Trúc pháp hộ dịch vào đời Tây Tấn, thu vào Đại chính tạng tập 14. Nội dung kinh này gồm 24 chương thuật lại việc lúc đức Phật ở tại tinh xá Kì viên, trả lời những câu hỏi của bồ tát Hỉ vương. Trước hết, Ngài nói về các loại Tam muội (Phạm, Pàli: Samàdhi) và công đức của các Tam muội ấy; kế đến, nói về 84 nghìn pháp môn Đại thừa và công đức thù thắng của các đức Phật, rồi nói về danh hiệu, chỗ ở, dòng họ, cha mẹ, đệ tử, tuổi thọ, thính chúng trong ba hội, v.v… của một nghìn đức Phật trong Hiền kiếp, sau cùng Ngài nói về công đức truyền trì kinh này. Trong các loại kinh Phật danh, kinh này là bản Hán dịch sớm nhất, cho nên còn giữ được hình thái xưa và tương đối được xem trọng. Nhưng vì văn nghĩa khó hiểu nên ít người nghiên cứu, đọc tụng. Cứ theo Xuất hiền kiếp kinh kí trong Xuất tam tạng kí tập quyển 7, thì kinh này còn có bản dịch khác của ngài Cưu ma la thập, cũng gọi là kinh Hiền kiếp, gồm 7 quyển, nhưng hiện nay đã thất truyền. Ngoài ra, cứ theo Lịch đại tam bảo kỉ quyển 6, thì còn có kinh Bạt đà kiếp tam muội, 7 quyển, do ngài Trúc pháp hộ dịch, nhưng Khai nguyên thích giáo lục quyển 2 thì cho đó là kinh dịch lại. Về các bản chú sớ của kinh này thì có: Hiền kiếp kinh kí 1 quyển, Hiền kiếp kinh lược giải 1 quyển (ngài Đạo an soạn vào đời Đông Tấn), đều đã thất lạc. Ông F. Weller biên tập bản tiếng Phạm và các bản dịch: Tây tạng, Mông cổ, Mãn châu, Vu điền, v.v…của kinh này và xuất bản. Ngoài ra, giữa kinh Hiền kiếp thiên Phật danh được dịch vào đời Lương thuộc Nam triều (khoảng thế kỉ VI Tây lịch, mất tên dịch giả), có một số điểm sai khác. [X. Xuất tam tạng kí tập Q.2; Chí nguyên pháp bảo khám đồng tổng lục Q.3; F. Weller: Tausend Buddha namen des Bhadsakalpa nach einer fünfsprachigen Polyglotte, Leipzig,1928].