hiền hộ bồ tát

Phật Quang Đại Từ Điển

(賢護菩薩) Hiền hộ, Phạm:Bhadra-pàla. Dịch âm: Bạt nại la ba la bồ tát, Bạt đà bà la bồ tát, Bạt đà ba la bồ tát, Bạt pha bồ tát, Bạt đà hòa bồ tát, Phát nại la bá la bồ tát. Cũng gọi Hiền hộ trưởng giả, Hiền hộ thắng thượng đồng chân, Thiện thủ bồ tát, Hiền thủ bồ tát. I. Hiền Hộ Bồ Tát. Vị Bồ tát tại gia, đứng đầu trong số đại chúng nghe kinh Ma ha bát nhã ba la mật và kinh Vô lượng thọ. Cứ theo kinh Đại bảo tích quyển 109, thì Hiền hộ trưởng giả là con của một thương gia giầu có, hưởng thụ các phúc báo vui sướng mà đến Đế thích Đao lợi thiên vương cũng không sánh bằng. Lại theo kinh Bát cát tường thần chú, nếu có người bệnh nặng, xưng danh hiệu của 8 vị Bồ tát trong đó có bồ tát Hiền hộ, thì liền hết bệnh, khi mệnh chung, được 8 vị Bồ tát ấy đến đón rước. Ngoài ra, theo kinh Đại Phật đính thủ lăng nghiêm quyển 5, ngài Bạt đà la khi vào nhà tắm thấy nước mà ngộ được tính không . Căn cứ vào thuyết này, Thiền tông bèn đặt tượng Hiền hộ tôn giả trong nhà tắm.II. Hiền Hộ Bồ Tát. Vị tôn thứ 2 ở phía tây ngoài luân đàn trong hội Yết ma trên mạn đồ la Kim cương giới Mật giáo. Một trong 16 vị tôn của Hiền kiếp. Mật hiệu là Xảo hộ kim cương, Li cấu kim cương, hình Tam muội da là Hiền bình. Hình tượng vị Bồ tát này là người nữ, thân màu hồng, ngồi trên hoa sen, tay trái nắm lại đặt trên đầu gối, tay phải bưng hiền bình. Hình nữ biểu thị đức định, màu hồng biểu thị từ bi, hiền bình biểu thị giữ gìn nước trí thanh tịnh của chúng sinh, cho nên hình tượng vị tôn này hiển bày 3 đức: Định, Bi, Trí. Lại vì khéo giữ gìn trí Phật của chúng sinh nên vị Bồ tát này được gọi là Xảo hộ kim cương. III. Hiền Hộ Bồ Tát. Cũng gọi Trừ nghi quái bồ tát. Vị Bồ tát thứ 4 trong 9 vị tôn của viện Trừ cái chướng trên mạn đồ la Thai tạng giới Mật giáo. Mật hiệu là Xảo tế kim cương, hình Tam muội da là chày kim cương một chĩa. Hình tượng của vị Bồ tát này là thân nữ mầu da người, ngồi trên hoa sen đỏ, tay trái bưng bình báu, tay phải cầm chày một chĩa. Chày một chĩa là trí nhất thực của Như lai, biểu thị nhất pháp giới của chữ A, bình báu biểu thị sự khéo giữ gìn 5 trí của chúng sinh vì thế gọi là Hiền hộ. Lại vì trí tuệ kim cương của Như lai khéo trừ diệt sự nghi hối của chúng sinh nên cũng gọi là Trừ nghi hối bồ tát; vì đem ánh sáng trí tuệ của Như lai soi rọi, cứu giúp chúng sinh trong chỗ tối tăm một cách khéo léo nên còn gọi là Xảo tế kim cương. [X. kinh Đại bảo tích Q.110; kinh Hiền kiếp Q.1; kinh Huyễn sĩ nhân hiền; kinh Đại thừa bồ tát tạng chính pháp Q.1; kinh tư ích phạm thiên sở vấn Q.1; kinh Quán đính Q.4, kinh Kim cương đính du già trung lược xuất niệm tụng Q.3; Thanh long tự nghi quĩ Q.trung; Hiền kiếp thập lục tôn; Kim cương đính đại giáo vương Q.2; Huyền ứng âm nghĩa Q.5]. HIỀN KHOAN (?–1326) Vị Thiền tăng thuộc tông Lâm tế sống ở đời Nguyên, người Hàm sơn. Hòa châu (tỉnh An huy), họ Chu, là đệ tử nối pháp của thiền sư Kim ngưu chân. Người đời gọi sư là Vô dụng Hiền khoan thiền sư. Một ngày kia, sư đến tham vấn ngài Kim ngưu ở Dã phụ, vừa bước vào cửa, ngài Kim ngưu liền hét, sư cũng hét. Ngài Kim ngưu hỏi (Vạn tục 142, 439 thượng): –Ông học được cái thói cứng đầu ấy ở đâu thế? Sư đáp: –Rất nhiều người ngờ vực. Ngài Kim ngưu liền đánh. Hôm sau, sư lại đến tham kiến, ngài Kim ngưu đưa sư vào ngồi trong phòng, bỗng nước trong ấm sôi trào ra, chảy xuống lò than khói xông lên, sư hốt nhiên đại ngộ, mồ hôi toát ra đầm đìa. Sau, sư trình kệ, trong có câu: Đáy nước trâu bùn kêu một tiếng. Đại thiên sa giới đều ngả nghiêng . Ngài Kim ngưu rất bằng lòng. Về sau, sư thuyết pháp ở chùa Phổ minh tại Thái hồ, người về học rất đông. Ban đêm ở chùa thường có ánh sáng chiếu, xa gần người ta đều cho là việc lạ sư được vua ban hiệu Phật Chiếu Viên Ngộ . Năm Thái định thứ 3 (1326) đời vua Tấn tông sư tịch. [X. Tăng tục truyền đăng lục Q.5].