hiện hành

Phật Quang Đại Từ Điển

(現行) Phạm: Abhisaôskara. Cũng gọi Hiện hành pháp. Các pháp hữu vi hiển hiện trước mắt. Thuyết nhất thiết hữu bộ cho rằng các pháp tạp loạn, do nhân duyên hòa hợp mà khởi hiện lành, nên không lập thuyết chủng tử. Tông duy thức chủ trương trong thức A lại da có đủ năng lực sinh ra tất cả pháp, nên năng lực ấy được gọi là chủng tử (hạt giống). Chủng tử ấy sinh ra tất cả muôn pháp sắc, tâm, gọi là Hiện hành (pháp hiện hành). Trong đó, chủng tử là nhân, nương vào nhân duyên mà khởi hiện hành, nên hiện hành là quả. Như vậy chủng tử của thức A lại da nhờ nhân duyên hòa hợp mà sinh hiện hành, nên gọi là Chủng tử sinh hiện hành, rồi lại do pháp hiện hành mà huân tập chủng tử mới (tân huân chủng tử), cho nên gọi là Hiện hành huân chủng tử. Giữa Chủng tử, Hiện hành và Tân huân chủng tử có mối quan hệ Chủng tử sinh hiện hành và Hiện hành huân chủng tử rất mật thiết, làm nhân làm quả cho nhau, hoàn thành cùng một lúc. Cũng tức là Hiện hành do Chủng tử sinh ra, Chủng tử lại nhờ Hiện hành mà được huân tập. Như vậy 3 pháp: Chủng tử năng sinh, Hiện hành năng huân sở sinh và Chủng tử sở huân đắp đổi lẫn nhau, làm nhân làm quả cho nhau mà hình thành, cho nên gọi là Tam pháp triển chuyển nhân quả đồng thời . Trong hiện hành, ngoài các điều thiện của quả Phật, những chủng tử vô kí yếu ớt do nghiệp của 6 thức trước chiêu cảm và tâm phẩm của thức thứ 8 (A lại da) ra, còn các hiện hành khác vì có đủ 4 nghĩa năng huân, nên đều có thể huân lại bản thức (thức thứ 8) để sản sinh ra chủng tử của tự loại. Đây gọi là Hiện hành nhân duyên để đối lại với Chủng tử nhân duyên . [X. luận Câu xá Q.19; luận A tì đạt ma thuận chính lí Q.53; luận Thành duy thức Q.2, Q.7; Thành duy thức luận thuật kí Q.3 phần đầu]. (xt. A Lại Da Thức, Chủng Tử).