hiện đồ mạn đồ la

Phật Quang Đại Từ Điển

(現圖曼荼羅) Cũng gọi Tùy cơ mạn đồ la. Tiếng dùng riêng của Mật giáo Nhật bản. Chỉ cho những Mạn đồ la hiện đang lưu hành, hoặc chỉ cho những hình tượng của các vị tôn được biểu hiện trong các bức tranh. Nói theo nghĩa hẹp, Hiện đồ mạn đồ la là chỉ cho Mạn đồ la ở Đông tự và chùa Thần hộ (Cao hùng) tại Nhật bản, do ngài Không hải mang từ Trung quốc về Nhật, khác với Mạn đồ la kiểu cũ do ngài Viên trân mang về. Nói theo nghĩa rộng, Hiện đồ mạn đồ la là chỉ cho những Mạn đồ la do các ngài Không hải, Viên nhân và Tông duệ mang về, khác với Mạn đồ la do A xà lê Thiện vô úy truyền và Mạn đồ la được nói trong các kinh sớ. Hiện đồ mạn đồ la lúc đầu chỉ cho Mạn đồ la của Thai tạng giới, nhưng về sau thì chỉ chung cho cả 2 bộ Kim cương và Thai tạng. Danh từ Hiện đồ đầu tiên được thấy trong tác phẩm Thai tạng giới Thích ca hội bất đồng kí quyển thượng của ngài An nhiên. Về nguồn gốc của Hiện đồ có nhiều thuyết: Có thuyết cho rằng do ngài Thiện vô úy cầu thỉnh nên chư tôn xuất hiện trong hư không, rồi ngài vẽ lại để lưu truyền; hoặc có thuyết nói khi bồ tát Long mãnh mở tháp sắt ở Nam thiên trúc thì chư tôn xuất hiện trong hư không, sau đó ngài vẽ lại; hoặc có thuyết cho rằng Mạn đồ la Thai tạng giới là tác phẩm của ngài Thiện vô úy, Mạn đồ la Kim cương giới là tác phẩm của ngài Kim cương trí. Lại có thuyết nói cả 2 bộ đều do ngài Bất không hoặc ngài Huệ quả truyền.