hí luận

Phật Quang Đại Từ Điển

(戲論) Phạn: Prapaĩca. Những lời bàn luận sai lầm, trái với chân lí, không thể làm cho thiện pháp tăng trưởng. Kinh Phật di giáo (đại 12, 1112 thượng), chép: Này các tỉ khưu! Nếu hí luận nhiều thứ thì tâm trí rối loạn, tuy đã xuất gia mà chưa được giải thoát. Vì thế các ông phải bỏ ngay những sự hí luận làm tán loạn tâm trí, nếu các ông muốn được niềm vui vắng lặng, chỉ có cách diệt trừ cái hại lí luận . Luận Du già sư địa quyển 91 (Đại 30, 815 thượng), ghi: Những lời nói dẫn đến chỗ tư duy phân biệt một cách vô nghĩa, gọi là hí luận. Vì sao? Vì những lời nói ấy, dù có gắng sức tu hành, cũng không thể làm tăng thêm chút pháp lành nào, mà cũng chẳng thể làm giảm được pháp ác . Phẩm Quán pháp trong Trung luận quyển 3 chia Hí luận làm 2 loại: Ái luận và Kiến luận. Ái luận là tâm bám dính vào tất cả pháp; Kiến luận là tâm quyết định hiểu tất cả pháp. Người độn căn khởi lên Ái luận; người lợi căn khởi lên Kiến luận. Người tại gia khởi Ái luận, người xuất gia khởi Kiến luận; Thiên ma khởi Ái luận, ngoại đạo khởi Kiến luận; phàm phu khởi Ái luận, Nhị thừa khởi Kiến luận. Phật di giáo kinh luận sớ tiết yếu nêu lên 2 loại hí luận: 1. Đối với lí chân thực mà phát sinh hí luận.2. Đối với các sự việc thế gian mà phát sinh hí luận. Ngoài ra, luận Phật tính quyển 3 liệt kê 3 loại và 9 loại Hí luận, còn Trung quán luận sớ quyển 1 cũng nêu 5 loại Hí luận. [X. phẩm Quán nhân duyên trong Trung luận Q.1; Đại nhật kinh sớ Q.5]. (xt. Ái Luận Kiến Luận).