hi hữu

Phật Quang Đại Từ Điển

(希有) Phạm:Àzcarya. Hiếm có, khó được gặp. Đặc biệt chỉ cho sự xuất hiện của đức Phật và giáo pháp của Ngài, như các từ Hi hữu đại pháp vương (bậc Pháp vương hiếm có), Hi pháp (giáo pháp hiếm có) v.v……Kim cương kinh toản yếu san định kí quyển 3 cho rằng đức Phật có 4 thứ hi hữu: 1. Thời hi hữu: Không phải thời nào đức Phật cũng xuất hiện mà vô số kiếp mới có một lần. 2. Xứ hi hữu: Đức Phật chỉ giáng sinh ở thành Ca tì la vệ, chứ không ở nơi nào khác trong 3.000 thế giới. 3. Đức hi hữu: Đức Phật có đầy đủ vô lượng phúc đức, trí tuệ, là bậc tôn quí nhất, không ai sánh kịp. 4. Sự hi hữu: Đức Phật suốt một đời nói pháp, lợi ích khắp tất cả chúng sinh. Nếu người nào hiểu rõ diệu pháp của chư Phật , rồi sinh tâm tôn trọng chẳng thể nghĩ bàn, thì cũng được gọi là người hi hữu. Luận Kim cương tiên quyển 10 (Đại 25, 874 trung), nói: Thấu rõ ý chỉ sâu xa mầu nhiệm của Bát nhã, duy có chư Phật mà thôi. Hàng phàm phu, Nhị thừa, tiểu căn, tiểu hạnh không thể nhận được. Vì khó có được người tin nên gọi là hi hữu . Ngoài ra, Quán kinh sớ tán thiện nghĩa của ngài Thiện đạo cũng cho rằng nếu người nào niệm Phật liên tục không gián đoạn thì người ấy là hi hữu trong thế gian, giống như hoa Phân đà lợi. [X. phẩm Như lai thần lực trong kinh Pháp hoa Q.6; kinh Vô lượng thọ Q.thượng; Kim cương bát nhã sớ Q.2 (Cát tạng); Pháp hoa nghĩa sớ Q.3 (Cát tạng)].