hỉ

Phật Quang Đại Từ Điển

(喜) Phạn: Su-manas. Sự vui mừng trong lòng. Một trong năm thụ, gọi là Hỉ thụ(cảm giác vui mừng) một trong 22 căn, gọi là Hỉ căn. Cứ theo luận Câu xá quyển 3, hành tướng vui mừng của tâm ở Sơ thiền, Nhị thiền và cõi Dục, thô động, có tính chất tham vui, gọi là Hỉ ; còn hành tướng vui mừng của tâm ở Tam thiền thì an tĩnh, đã lìa tính tham vui, nên gọi là Lạc . Nhưng luận Thành duy thức quyển 5 thì cho rằng: Sự vui mừng của tâm ở Sơ thiền, ở Cận phần định của Nhị thiền và ở cõi Dục gọi là Hỉ ; còn sự vui mừng của tâm ở Sơ thiền và ở Căn bản định của Nhị thiền thì gọi là Hỉ hoặc là Lạc . Từ ngữ Dũng dược hoan hỉ (vui mừng hớn hở) nói trong các kinh là mô tả thái độ vui mừng khi nghe đức Phật nói pháp. Địa thứ nhất trong 10 địa của Bồ tát Đại thừa là Hoan hỉ địa. Trong Thập địa kinh luận quyển 2, ngài Thế thân chia hoan hỉ làm 3 loại: Hữu tâm hỉ, Thể hỉ và Căn hỉ. Kế đó, ngài nêu ra 9 thứ:1. Kính hoan hỉ: Vui mừng cung kính Tam bảo. 2. Ái hoan hỉ: Vui mừng ưa thích quán pháp chân như. 3. Khánh hoan hỉ: Vui mừng tự biết chỗ sở ngộ thù thắng. 4. Điều nhu hoan hỉ: Niềm vui mừng được điều hòa lan khắp thân tâm. 5. Dũng dược hoan hỉ: Niềm vui đầy đủ, tràn khắp thân tâm. 6. Kham thụ hoan hỉ: Vui mừng khi thấy mình tiếp cận sự giác ngộ. 7. Bất hoại hoan hỉ: Vui mừng khi điều phục, giải thuyết, nghị luận mà tâm không dao động. 8. Bất não hoan hỉ: Vui mừng vì lòng từ bi nhu hòa, giáo hóa, nhiếp thụ chúng sinh.9. Bất sân hoan hỉ: Vui mừng vì khi thấy uy nghi chúng sinh không đúng đắn mà không sinh tâm giận dữ. [X. luận Đại tì bà sa Q.139, Q.142; luận Đạt thừa a tì đạt ma tạp tập Q.7; Câu xá luận quang kí Q.3; Thành duy thức luận thuật kí Q.5 phần đầu; Bách pháp vấn đáp sao Q.1; Duy thức luận đồng học sao Q.5 phần 4]. (xt. Hoan Hỉ).