hậu sơn ngoại

Phật Quang Đại Từ Điển

(後山外) Đối lại với Tiền sơn ngoại. Cũng gọi Tạp truyền phái. Sơn ngoại là tiếng chê bai những người đệ tử có kiến giải khác với, thậm chí phản bội, lời dạy của thầy tổ. Hậu sơn ngoại nguyên chỉ cho Tịnh giác Nhân nhạc và Thần trí Tòng nghĩa là đệ tử và pháp tôn của ngài Tứ minh Tri lễ thuộc tông Thiên thai, mà lại phản đối giáo thuyết của ngài Tứ minh và chủ trương quan điểm giống như phái Tiền sơn ngoại (chỉ cho Ngô ân và Nguyên thanh thuộc phái Sơn ngoại tông Thiên thai). Ngài Tứ minh soạn Quán kinh diệu tông sao, đệ tử và pháp tôn của ngài là Quảng trí và Tịnh giác có sự tranh luận về quán tâm và quán Phật. Bấy giờ, ngài Tứ minh lập nghĩa Ước tâm quán Phật để hóa giải sự tranh luận ấy, nhưng sư Tịnh giác không hài lòng, vẫn cố thủ quan điểm của mình và chống lại thuyết của thầy mình. Sợ gây thành mối họa cho đời sau, nên ngài Tứ minh cực lực bác bỏ quan điểm của Tịnh giác, do đó, Tịnh giác bèn viết 10 lá thư để biện hộ. Sau khi ngài Tứ minh nhập tịch, pháp tôn của ngài là sư Hi tối nghe lời lẽ ngạo mạn của Tịnh giác bèn ra sức biện bác, cuối cùng Tịnh giác phải thán phục. Về sau, pháp tôn của ngài Tứ minh là sư Tòng nghĩa, đệ tử của sư Kế trung, cũng chống lại thuyết của ngài Tứ minh. Cho nên người đời phần nhiều lấy Tịnh giác và Tòng nghĩa làm đại biểu cho phái Hậu sơn ngoại. Nhưng, 2 vị này không có quan hệ thầy trò như 2 vị thuộc phái Tiền sơn ngoại là Ngô ân và Nguyên thanh, cho nên không được thừa nhận mối quan hệ về giáo quyền và truyền thừa. Ngoài ra, từ ngữ Hậu sơn ngoại cũng được dùng để chỉ cho những người không phải là chính thống của Sơn gia. [X. Chư sư tạp truyện trong Phật tổ thống kỉ Q.21; Thích môn chính thống Q.5].