hạt

Phật Quang Đại Từ Điển

(喝) Tiếng dùng trong Thiền lâm. Nghĩa là tiếng hét. Từ đời Đường trở về sau, các Thiền sư Trung quốc thường dùng tiếng hét hoặc để điểm hóa cho người học nhằm phá trừ chỗ thấy sai lầm tà chấp của họ, hoặc để diễn đạt cái trạng thái mà ngôn ngữ, tư tưởng không vươn tới được. Cứ theo Cổ tôn túc ngữ lục quyển 1 chép, thì thiền sư Mã tổ Đại tịch là người đầu tiên đã sử dụng tiếng hét. Khi thiền sư Bách trượng đến tham vấn, bị ngài Mã tổ hét cho một tiếng quá chát chúa đến nỗi tai Bách trượng bị điếc 3 ngày! Về sau, ngài Bách trượng dùng tiếng hét, ngài Hoàng bá thì dùng gậy đánh, còn ngài Lâm tế thì dùng cả đánh lẫn hét. Cứ theo Lâm tế lục khám biện, thì tiếng hét của ngài Lâm tế có 4 tác dụng: 1. Có lúc tiếng hét như thanh kiếm báu Kim cương vương(chặt đứt sự bám níu vào ngôn ngữ, văn tự). 2. Có lúc tiếng hét như con sư tử lông vàng ngồi xổm trên mặt đất(phá tiểu cơ, tiểu kiến). 3. Có lúc tiếng hét như dùng cần câu hua dưới bè cỏ (thử nghiệm người học hoặc khám biện sư gia). 4. Có lúc tiếng hét không có tác dụng của tiếng hét (chỉ cho tiếng hét hướng thượng thu về tất cả, có đầy đủ các tác dụng mà chưa dùng). Đây tức là Lâm tế tứ hát . Nhưng, nếu không hiểu tác dụng của tiếng hét mà cứ hét một cách loạn xạ thì chẳng có ích lợi gì. Về sau tiếng hét đã trở thành gia phong của tông Lâm tế và là phương pháp ứng cơ tiếp vật tuyệt kĩ của tông này, rất thịnh hành ở Trung quốc và Nhật bản. [X. điều Lâm tế trong Tông môn thống yếu tục tập Q.9; Nhân thiên nhãn mục Q.3]. (xt. Đức Sơn Bổng, Lâm Tế Tứ Hát).