hành tín

Phật Quang Đại Từ Điển

(行信) Tiếng dùng của Phật giáo Nhật bản. Đặc biệt Tịnh độ chân tông thường dùng từ ngữ này để nói về giáo nghĩa cơ bản của tông mình. Thông thường, Hành chỉ cho sự tu hành hoặc hành nghiệp để thành tựu Phật đạo; còn Tín là chỉ tín ngưỡng, tín tâm. Vì thế, Hành tín còn được gọi là Tâm hạnh, là điều kiện tất yếu để vãng sinh Tịnh độ và thành tựu Phật đạo. Từ xưa đến nay, trong các hệ phái Tịnh độ giáo, ngoại trừ Tịnh độ chân tông Nhật bản, bất luận là chủ trương Tự lực Thánh đạo môn hay chủ trương Tha lực Tịnh độ môn đều xem trọng cả Hành lẫn Tín, tức cho rằng người tu hành phải phát tâm bồ đề và tu hạnh Tín thì mới có thể đầy đủ sở cầu, thành tựu sở nguyện. Nhưng giáo nghĩa của Tịnh độ chân tông thì coi trọng Tín hơn Hành . Bởi vì tông này cho rằng tự thân chúng sinh không có khả năng thành Phật, cho nên phải nhờ vào tín tâm đối với đức Phật A di đà, đồng thời, dùng tín tâm ấy làm chính nhân vãng sinh Tịnh độ. Sau khi đã phát khởi tín tâm, mà lại xưng niệm danh hiệu Phật A di đà nữa, thì điều đó có thể được coi là hành nghiệp báo ân Phật A di đà. Trong Tịnh độ chân tông, Tín và Hành ấy đặc biệt được gọi là Đại tín, Đại hành.