Hạnh Phúc và Mùa Xuân
Nghiêm Xuân Cường

 

Là mùa cỏ cây đâm chồi nẩy lộc cho nên tự muôn đời xuân đã trở thành biểu tượng của sự làm mới. Xuân đến, vạn vật như thay hình đổi dạng, đang im lìm trong trời đông giá lạnh bỗng chuyển hóa khoác lên mình chiếc áo xuân muôn màu rực rỡ. Trăm hoa đua nở, khắp nơi ấm áp, lòng người cũng rộn rã theo với đất trời cho nên mùa xuân còn được đồng hóa với sự an vui. Đó là cách nhìn sự vật qua hình tướng, nhưng người con Phật thì đâu chỉ nhìn sự vật qua cái dáng vẻ bên ngoài như Thiền Sư Mãn Giác (đời nhà Lý, 1052-1096) viết:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân ruỗi trăm hoa rụng
Xuân đáo bách hoa khai
Xuân tới trăm hoa cười
Sự trục nhãn tiền quá
Trước mắt việc đi mãi

Lão tùng đầu thượng lai
Trên đầu già tới rồi
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Đêm qua sân trước một cành mai.

(bản dịch Ngô Tất Tố)

Mùa xuân đâu chỉ có ở trong cánh hoa, cho nên nếu còn bị vướng vào dáng vẻ bên ngoài người ta dễ bị lạc trong vòng sầu khổ. Thấm nhuần lời Phật dạy, chúng ta thấy xuân chỉ là một ý niệm trong lòng, khi đã an trú trong Tam Bảo rồi thì đó chính là niềm vui của ta, không cần phải phụ thuộc vào bốn mùa biến chuyển. Ý niệm về tuổi và hạnh phúc cũng vậy. Người ta thường do cái hình thức bên ngoài mà xét đoán cho nên cố giữ dáng vẻ trẻ trung của mình bằng y phục, trang sức, thậm chí bằng cả những xảo thuật của y học hiện đại như botox, căng da, hút mỡ, tẩy răng…nhưng tất nhiên đi kiếm hình ảnh của hạnh phúc trong cái vô thường, cái biến đổi từng giây phút là một việc làm vô vọng, như chàng Don Quixote của Cervantes suốt đời đuổi theo và đánh nhau với những cái cối xay gió. Đi kiếm hạnh phúc trong cái hình tướng bên ngoài, ta sẽ dễ dàng mang tâm trạng như một thi sĩ cận đại đã viết:

Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Ai đem xuân đến để tôi sầu
Với tôi tất cả là vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau

So với cái nhìn của Thiền Sư Mãn Giác quả có khác nhau như đêm ngày. Hạnh phúc và mùa xuân chỉ là một ý niệm trong lòng cho nên đi tìm kiếm cái hạnh phúc ấy ở những cảnh vật ngoại giới người ta chẳng bao giờ được toại nguyện, ví như người khách đi đường xa, nhìn thấy ánh đèn phía trước, định bụng là đến đó thì sẽ nghỉ qua đêm song khi đến nơi thì biết nó chỉ là một ảo tưởng của thị giác. Cũng vậy, con người sống trong một xã hội mà các “nhu cầu” đều do sự giật dây của sự quảng cáo thì không bao giờ hài lòng được bởi hết cần mua cái này rồi lại cần sắm cái nọ, lòng lúc nào cũng ở trong trạng thái “cầu bất đắc” mà cầu bất đắc liên miên thì sẽ khổ liên miên.

Cho nên, vướng vào cái hình tướng bên ngoài là một nguồn gốc của khổ đau. Trong Tạng Thư Sống Chết (The Tibetan Book of Living And Dying, Việt dịch Ni Sư Thích Nữ Trí Hải, NXB Thanh Văn, CA 1996) Sogyal Rinpoche thuật lại một giai thoại lý thú về một vị thiền sư, thầy của Ngài. Thường thì ở nơi nào cũng vậy, mỗi đầu năm, như Tết Nguyên Đán ở nước ta, người người tụ họp lại ăn uống, nói cười vui vẻ, chúc tụng nhau bằng những lời hoa mỹ, khách sáo. Chỉ riêng có vị thiền sư này, mỗi lần chứng kiến những cuộc vui như thế Ngài lại ôm mặt khóc. Khi có người hỏi vì sao lại khóc trong ngày tiệc đầu năm, thiền sư trả lời:

“ Tôi khóc vì một năm đã qua tức là người người ai cũng già đi một tuổi, nghĩa là bước thêm một bước gần cửa tử sinh, thế mà họ nào có biết, vẫn cứ nhởn nhơ, không lo tu tập mà chỉ vui chơi cho qua ngày đoạn tháng.”

Phât pháp cho ta cái nhìn vô tướng để không chỉ thấy cái hiện tượng bề mặt mà còn thấy sự tương quan giữa mọi người và mọi vật. Ta đâu có bao giờ nghĩ là những con gấu trắng Bắc Cực (polar bear) là có liên hệ gì đến mình, nhưng nếu chúng bị diệt chủng trong vài thập niên sắp tới vì hiện tượng toàn cầu bị hâm nóng (global warming) thì loài người chúng ta sớm muộn rồi cũng khốn khổ long đong. Người biết an vui thực sự, do đó là người không những biết lo cho mình mà còn lo cái lo chung của mọi người như Đức Đạt Lai Lạt Ma Thứ Mười Bốn nói:

“Nếu ta biết kềm chế những động lực ích kỷ trong ta -giận dữ chẳng hạn -và phát triển lòng tử tế và tâm từ cho tha nhân, thì rót cuộc ta sẽ là người được lợi lạc hơn cả. Thành ra tôi vẫn thường hay nói với mọi người là kẻ ích kỷ khôn ngoan (the wise selfish person) phải thực tập như thế. Kẻ vô minh lúc nào cũng nghĩ về mình và kết quả chỉ là tiêu cực, khổ đau. Kẻ ích kỷ khôn ngoan hay nghĩ đến người khác và giúp người bằng hết sức mình và như vậy họ cũng hưởng lợi lạc.”

Cũng vậy, Shantadeva, một nhà hiền triết Phật Giáo sống cách đây trên mười hai thế kỷ, có viết:

Difference*

All the joy the world contains
Has come through wishing happiness for others
All the misery the world contains
Has come through wanting pleasure for oneself

Is there need for lengthy explanation
Childish beings look out for themselves
While Buddhas labor for others
See the difference that divides them.

*đề tựa do người viết đặt

(trích từ Glimpse After Glimpse, Sogyal Rinpoche, HarperCollins, 1995)

tạm dịch:

Trầm Luân

Có gì đáng nói nữa đâu
Kẻ vô minh muốn lợi mau về mình.
Bậc Bồ Tát giúp chúng sinh,
Thoắt trông đã thấy muôn phần khác xa.
Nếu mang hạnh phúc về ta
Mà bao đau khổ tạo ra cho người
Tức thì Phật tánh buông lơi
Có vui chăng cũng ngàn đời trầm luân.

Nói tóm lại, chỉ cần quan sát một chút ta sẽ thấy rõ ràng là vạn vật nương tựa lẫn nhau trong một lưới liên hệ trùng trùng điệp điệp, cái này có vì cái kia có, cái kia có vì cái này có. Thân thể này chẳng kết hợp bởi tứ đại – đất, nước, gió, lửa – đó chăng? Thiếu bất cứ một thứ nào, dù chỉ là trong khoảnh khắc, mạng sống của ta cũng có cơ lâm nguy. Một phim đang được trình chiếu tại các rạp tại Bắc Mỹ từ Giáng Sinh 2006- Charlotte’s Web (Lưới Của Charlotte) -nói về tình bạn giữa chú heo con (Wilbur) và cô nhện khôn ngoan (Charlotte) trong một nông trại. Nhờ sự can thiệp của cô nhện Charlotte mà người chủ nông trại thấy được giá trị của chú heo con Wilbur và không giết thịt nó. Kết quả là Wilbur thắng giải thưởng đặc biệt (Governor’s Prize) trong một kỳ triển lãm nông phẩm và người dân trong vùng tự nhiên thấy cuộc sống của mình quan trọng hơn, tươi đẹp hơn.

Thế nên, chìa khóa của hạnh phúc bền lâu, của một mùa xuân bất tận nằm trong cái nhìn bao quát, không vướng vào cái hời hợt bề ngoài, cũng như trong cách sống ung dung tự tại, đem lại lợi ích cho mình, cho người. Xuân của đất trời sẽ mãi mãi còn tươi mới khi tâm ta đã thực sự bình an. Xin mượn bốn câu thơ tuyệt tác của cố thi sĩ Huyền Không tức Hòa Thượng Thích Mãn Giác (1929-2006) thay cho lời kết :

Ô hay xuân đến bao giờ nhỉ ?
Nghe tiếng hoa khai bỗng giật mình
Sáng nay thức dậy quàng thêm áo
Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh.