HẠNH PHÚC

 

HẠNH PHÚC THẾ GIAN:

Hạnh phúc thế gian là sự hưởng thọ những vật chất trong cuộc sống, hay sự thỏa mản những mơ ước thế tục như: được tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, tiện nghi, con cái ngoan hiên, ăn ngon, không lo lắng v.v.; các hạnh phúc thế tục nầy có rồi mất không bền vững, bị chi phối trong luật vô thường và nhân quả, trong kinh “Dighajanu, Người Koliya”, Dighajanu hỏi: “Bạch Ngài, chúng con là những người cư sĩ tại gia, có vợ và con cái. Mong Ngài dạy bảo cho con được biết bằng cách nào để đời sống hiện tại và đời sau này con được hạnh phúc”. Khi đó Đức Phật dạy cho Dighajanu bốn điều cần phải làm để tạo cuộc sống hiện tại được hạnh phúc:

1. Phải có một nghề nghiệp giỏi, phải siêng năng và nhiệt thành trong nghề nghiệp của mình.

2. Phải bảo vệ nguồn thu nhập của mình đừng để bị thiên tai làm tổn hại, và trộm cắp lường gạt. Nguồn thu nhập phải hợp pháp.

3. Tránh xa bạn ác. Luôn cẩn thận và học hỏi với những người có đức hạnh và trí tuệ.

4. Chi tiêu phải phù hợp với thu nhập của mình, không tiêu pha lãng phí tiền bạc trong cờ bạc và tửu sắc.

Để tạo cho đời sống tương lai được hạnh phúc, Đức Phật khuyên Dighajanu phải thực hiện bốn điều sau đây:

1. Có niềm tin trọn vẹn về giá trị đạo đức và tâm linh (tức là có đức tin Tam bảo, Phật, Pháp, Tăng và tin luật nhân quả).

2. Thực hành năm điều đạo đức bằng cách không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không dùng những chất làm não loạn tâm trí như rượu và ma túy. (đây tức là ngũ giới của người Phật tử tại gia).

3. Bố thí và làm những công việc từ thiện.(Nhân lành sẽ sanh quả lành)

4. Phát triển trí tuệ để thấy được bản chất vô thường của cuộc đời, và giúp đoạn tận khổ đau.

Đức Phật cũng đã dạy cho Chư Thiên, trong “Kinh Điềm lành”.

Một vị Thiên tử đã hỏi Phật rằng bằng vào cách nào để các chúng sinh trong cõi người và trời được hạnh phúc. Đức Phật đã trả lời câu hỏi của vị Thiên tử qua bài kệ sau:

Không thân cận kẻ ngu,
Nhưng gần gũi bậc trí,
Đảnh lễ người đáng lễ.
Là điềm lành tối thượng.

Ở trú xứ thích hợp,
Công đức trước đã làm,
Chân chánh hướng tự tâm,
Là điềm lành tối thượng.

Học nhiều nghề nghiệp giỏi,
Khéo huấn luyện học tập,
Nói những lời khéo nói,
Là điềm lành tối thượng.

Hiếu dưỡng với cha mẹ,
Nuôi nấng vợ và con,
Làm nghề không rắc rối,
Là điềm lành tối thượng.

Bố thí hành đúng pháp,
Săn sóc các bà con,
Làm nghiệp không lỗi lầm,
Là điềm lành tối thượng.

Chấm dứt từ bỏ ác,
Chế ngự đam mê rượu,
Trong Pháp, không phóng dật
Là điềm lành tối thượng

Đây là pháp thực hành căn bản và thiết thực để xây dựng một đời sống hạnh phúc: có nghề nghiệp giỏi để kinh tế gia đình được ổn định; biết hiếu dưỡng cha mẹ và nuôi nấng vợ con, gia đình sẽ được hạnh phúc; thực hành bố thí thì kết quả có được cuộc sống giàu có; và thân cận với bạn lành giúp phát triển đạo đức và trí tuệ. Phần lớn Phật nhấn mạnh tới giá trị đạo đức (quy y tam bảo, thực hành ngũ giới, thân cận bạn lành…), là nhân lành đem lại quả an lạc hạnh phúc trong chư thiên và nhân gian.

HẠNH PHÚ CHÂN THẬT (HẠNH PHÚC SIÊU THẾ).

Hạnh phúc chân thật theo quan điểm Phật giáo là sự chấm dứt khổ đau, Là con đường Thánh Đạo có 2 nhánh: hoặc tự giải thoát qua con đường Tứ Thánh Đế mà nguyên nhân chính là mê lầm của nghiệp hoặc chấp ngã khiến bị trôi lăn trong khổ sanh tử; hoặc giải thoát khỏi mê lầm chấp ngã và pháp, tự tại giải thoát qua con đường bồ tát đạo: Phát đại bi vô thượng bồ tâm nương vào pháp Lục độ (hay Thập độ) lợi lạc tự tha.

Đức Phật phương tiện triển khai ngũ thừa Phật giáo: Nhân Thừa và Thiên thừa ngài chỉ dạy pháp hạnh phúc tam thời làm nền tảng cho thánh đạo sau nầy, với hạng trung căn ngài dạy pháp giải thoát Tứ Thánh Đế, và Thập Nhị Nhân Duyên của Thanh văn và Duyên giác thừa, với hạng Thượng Căn ngài chỉ dạy con đường Thập Độ của Bồ Tát Đại Thừa là con đường hạnh phúc chân thật.

Cầu mong tất cả chúng sanh an lạc trong hạnh phúc tạm thời và chân thật.